sx

Các DN cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tăng năng suất lao động.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) nhấn mạnh, khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lên ngôi đem đến thách thức không nhỏ đối với các nền kinh tế mở như Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn, áp lực mà DN Việt đang phải đối mặt hiện nay?

- Ông Eric Sidgwick: Các nhân tố bên ngoài của nền kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng và tạo nên thách thức lớn đối với mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia. Chúng tôi nhìn thấy rõ ràng tiềm lực và sự chống chịu rất tốt của nền kinh tế Việt Nam trước những suy giảm của kinh tế thế giới cũng như những diễn biến và xu hướng tiêu cực đang diễn ra.

ẻic
Ông Eric Sidgwick

Trên thực tế, từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng và chúng tôi tin tưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế Chính phủ đề ra ở mức 6,8% là hoàn toàn khả thi. Đây là môi trường thuận lợi và ổn định cho DN hình thành và phát triển.

Đặc biệt trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong công cuộc cải cách thể chế, xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan…; thông qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm hướng đến một hệ sinh thái tốt nhất để cho cộng đồng DN nâng cao năng lực cạnh tranh và lớn mạnh.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang có sự dịch chuyển khá nhanh. Trong đó, sự tăng trưởng được quyết định bởi các yếu tố cơ bản như sản xuất, lao động, nguồn vốn… và hiệu quả, năng suất lao động được coi là yếu tố quyết định. Đây chính là thách thức của DN, buộc họ phải cải thiện về chất lượng lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất.

Cần nhấn mạnh thêm là, Việt Nam đang tăng trưởng ở mức khá cao và nền kinh tế chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nguồn nhân lực, nguồn lao động. Vì vậy, trong khi nguồn lao động của Việt Nam có thế mạnh về số lượng hơn chất lượng thì yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hội nhập đối với cộng đồng DN là nguồn nhân lực phải có kỹ năng, có trình độ cao hơn nữa.

* PV: Thưa ông, với việc ký kết thành công một số hiệp định thương mại (FTA) có sức ảnh hưởng lớn như CPTPP, EVFTA, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội tốt để tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2019. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

- Ông Eric Sidgwick: Chúng tôi cho rằng, các FTA thế hệ mới là “cơ hội vàng” cho nền kinh tế Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong tiến trình hội nhập thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vốn đã có nền tảng nhiều năm nay, các FTA sẽ là đòn bẩy để tiếp tục nâng cao giá trị cũng như tăng trưởng hơn về trung và dài hạn.

Đáng lưu ý, cơ hội xuất khẩu cho DN Việt sẽ đến từ các thị trường mới trong FTA thế hệ mới nhiều hơn là từ các thị trường truyền thống. Bởi thực tế cho thấy, từ năm 2018 đến nay đã có sự suy giảm nhẹ từ một số thị trường truyền thống mà Việt Nam đang nắm giữ thị phần tương đối cao. Do đó, hướng tới mở rộng thị trường mới trong FTA thế hệ mới là lựa chọn tích cực.

Song, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức và rủi ro. Cụ thể, thách thức đến từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật – công nghệ và các yêu cầu, hàng rào đặt ra từ thị trường nhập khẩu; các rủi ro đến từ sự suy giảm của các nền kinh tế lớn là thị trường xuất khẩu của Việt Nam; sự căng thẳng thương mại giữa các thị trường lớn, từ tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ…

* PV: Trong bối cảnh đó, DN Việt Nam cần phải làm gì và Chính phủ cần có những giải pháp như thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho DN phát triển, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, thưa ông?

- Ông Eric Sidgwick: Đối với DN, tôi cho rằng họ cần phải chủ động về chiến lược phát triển và linh hoạt hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động là vô cùng cần thiết, là bài toán sống còn đối với DN.

Đối với Chính phủ, nhiệm vụ quan trọng nhất trong trung và dài hạn là giữ vững mức tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN đầu tư, hoạt động thì Chính phủ cũng cần tập trung phát triển hạ tầng; thu hút đầu tư về công nghệ từ các quốc gia phát triển nhằm hiện đại hóa phương thức sản xuất; phát triển thị trường tài chính…

Đặc biệt, đa số DN Việt Nam là vừa và nhỏ nên Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ khu vực DN này như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, đất đai, nhân lực… để họ lớn mạnh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Tố Uyên (thực hiện)