* Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam:

Nguyên liệu gặp khó do gián đoạn nguồn cung

Ông Adam Sitkoff
Ông Adam Sitkoff

Dịch Covid-19 đang diễn ra gây lo lắng cho cả người dân và DN tại Việt Nam. Các ngành du lịch, dịch vụ và giáo dục là những ngành dễ bị tổn thương ngay lập tức. Tôi cho rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hạn chế đi lại sẽ tiếp tục tác động đến nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Hơn một nửa số thành viên của AmCham trong lĩnh vực sản xuất cho biết đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu bởi sự gián đoạn cung ứng do tác động của Covid-19. Hơn 1/3 thành viên AmCham nói rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động toàn cầu của công ty họ. Những thách thức lớn nhất mà các DN của chúng tôi đang phải đối mặt là đảm bảo các vật liệu, hàng hóa thay thế, cùng với việc quản lý hàng tồn kho.

Để hạn chế tác động của dịch, AmCham đã tổ chức một buổi thông tin để các thành viên học hỏi từ chuyên gia y tế và sẽ tiếp tục thông báo cho thành viên các diễn biến mới.

AmCham cũng khuyến khích các thành viên của mình tập trung vào việc duy trì nơi làm việc an toàn và duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian gián đoạn này. Quan trọng nhất, chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà quản lý công ty cảnh giác, hành động hợp lý và đưa ra quyết định dựa trên sự thật và sự cần thiết.

* Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Đức (GIC/AHK) tại Việt Nam:

Nhà đầu tư Đức chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19

Ông Marko Walde
Ông Marko Walde

Chúng tôi vừa tiến hành một cuộc khảo sát các thành viên về tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, 76% các DN Đức trả lời rằng đang chịu nhiều ảnh hưởng từ khi dịch bùng phát. Các kịch bản của những diễn biến tiếp theo trong đại dịch này đều cho thấy những tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng của kinh tế nói chung và tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Đức tại Việt Nam nói riêng.

55% DN của chúng tôi đều có các biện pháp phòng chống để ứng biến với dịch Covid-19 tại Việt Nam. Một trong những biện pháp cấp bách mà các DN hiện tại đang thực hiện là dừng toàn bộ các chuyến công tác sang Trung Quốc (47%); 38% trong số họ chỉ dừng 1 phần các chuyến công tác của công ty; 38% DN Đức tạm thời không tiếp các khách hàng và đối tác tới từ Trung Quốc để đảm bảo phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh; 41% trong số họ hạn chế tiếp các khách hàng vừa đi Trung Quốc về hoặc quá cảnh tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Ở góc độ nhà đầu tư Đức, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của các biện pháp hạn chế, phòng ngừa mà Chính phủ Việt Nam đã đưa ra. Cụ thể, khảo sát cho thấy, 44% các nhà đầu tư Đức cho rằng phản ứng của Chính phủ Việt Nam kịp thời và có hiệu quả, hỗ trợ DN hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh và tới sức khỏe của các nhân viên. 36% DN nhận thấy những chính sách đó phần nào hỗ trợ họ trong việc ứng biến với dịch bệnh do Covid-19.

Chúng tôi mong muốn được giúp đỡ để các DN Đức nắm rõ hơn và cập nhật hơn tình hình dịch bệnh. Từ đó có thể đưa ra những giải pháp điều chỉnh kế hoạch hoạt động của DN trong thời gian tới tại Việt Nam. Đồng thời, phần lớn DN Đức cũng tỏ ra lạc quan rằng, họ sẽ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

* Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội:

Covid-19 có thể khiến giao thương Việt - Nhật trì trệ ngắn hạn

Ông Takeo Nakajima
Ông Takeo Nakajima

Phần lớn các DN Nhật tại Việt Nam đều xuất khẩu sang Nhật, việc xuất sang thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10%. Do đó, sự tác động của Covid-19 như thế nào lên các DN Nhật thì chưa thể đánh giá cụ thể, cần có thêm thời gian. Tuy nhiên, hiện tại Covid-19 đang phát sinh các vấn đề đối với DN Nhật như đảm bảo an toàn cho nhân viên làm việc. Hiện tại, các DN này vẫn duy trì được hoạt động sản xuất dựa trên lượng hàng tồn kho hiện nay. Nhưng, nếu tình trạng dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung từ các DN Trung Quốc.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam, nếu dịch kéo dài trong hết quý I/2020 hay hết quý II/2020. Theo các kịch bản này, Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các DN Nhật do tác động của dịch với nền kinh tế Việt Nam nói chung. Hiện nay, Nhật Bản cũng là quốc gia chịu tác động của dịch bệnh này nên tôi nghĩ rằng, Covid-19 sẽ làm trì trệ giao thương giữa Việt Nam - Nhật Bản trong ngắn hạn.

Chúng tôi nhận thấy rằng, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp rất nhanh chóng, kịp thời để có thể kiểm soát được dịch bệnh nên chúng tôi thấy rất yên tâm với các giải pháp hiện tại. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ liên quan đến việc hạn chế di chuyển của con người để kiểm soát dịch bệnh mà còn liên quan đến hạn chế di chuyển của hàng hóa nữa. Điều này tác động tới các DN. Vì vậy, chúng tôi đang rất trông chờ Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ có trao đổi thông tin với nhau, để những giải pháp đưa ra không quá mức cần thiết, phù hợp nhất, tránh sự cản trở dịch chuyển của con người cũng như hàng hóa, gây tác động trực tiếp tới các DN.

* Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý (ICHAM) tại Việt Nam:

Ảnh hưởng tới việc tiếp cận thị trường Việt của DN Ý

Ông Phạm Hoàng Hải
Ông Phạm Hoàng Hải

Trong thời gian hơn một tháng qua, Covid-19 đã gây ra rất nhiều tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN Ý tại Việt Nam cũng như các DN Ý đang tiếp cận với thị trường Việt Nam. Cụ thể, có rất nhiều DN Ý dự kiến sang Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, đa số đều hoãn vô thời hạn chuyến công tác của họ để theo dõi các diễn biến mới của dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, các DN Ý đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các DN sản xuất cũng bị ảnh hưởng do nguồn cung cấp linh kiện của họ không được đảm bảo từ thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, do trường học các cấp đồng loạt nghỉ học nên cũng ảnh hưởng một phần nào đó đến công việc của các bậc cha mẹ và do đó gián tiếp làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong công việc của các công ty Ý tại Việt Nam. Tuy nhiên, ICHAM cho rằng, những biện pháp được Chính phủ đưa ra hiện tại là quyết định đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Các DN Ý tôn trọng và tuyệt đối chấp hành quyết định này; đồng thời cũng tạo điều kiện tối đa cho nhân viên của mình trong việc sắp xếp thời gian và công việc để đáp ứng yêu cầu phòng dịch.

ICHAM sẽ theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch Covid-19 tại Việt Nam để có thể cập nhật kịp thời cho cộng đồng DN Ý ở trong và ngoài nước. Nghị viện Liên minh châu Âu vừa thông qua hiệp định EVFTA nên thị trường Việt Nam đang có được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng DN Ý nói riêng và châu Âu nói chung. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn và tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm dập được dịch, để các nhà đầu tư Ý và châu Âu yên tâm hơn khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Thảo Miên (ghi)