Lãi trước thuế tăng 25% so với năm 2020

Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021, đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản của các doanh nghiệp này là 3.749.867 tỷ đồng, tăng 2% (so với năm 2020). Vốn chủ sở hữu là 1.795.451 tỷ đồng, tăng 3%.

Tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8%. Lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25%. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2021 là 11% (năm 2020 là 9%). Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 323.876 tỷ đồng, tăng 6%, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 75%).

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ. Đồ họa: Thế Dương

Quy mô tài sản bình quân của doanh nghiệp có vốn nhà nước là 4.500 tỷ đồng/doanh nghiệp, tài sản, lợi nhuận, nộp NSNN tăng trưởng dương (lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 25%), tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào NSNN (lợi nhuận sau thuế và cổ tức/lợi nhuận được chia), tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục là đơn vị đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Thông qua hoạt động của mình, DNNN đóng góp lớn, tạo sức mạnh về kinh tế, tham gia trực tiếp các hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh; phát triển hạ tầng; là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực tư nhân khó thực hiện.

Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ NSNN trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội quan trọng của đất nước.

Các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất mà DNNN tham gia như năng lượng, viễn thông, vận tải…

Không tách bạch nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động không rõ ràng

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ còn một số tồn tại, hạn chế như một số DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng, khi phê duyệt một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội và thị trường…

DNNN chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường. DNNN phải tuân thủ các quy định đặc thù về hạn chế quyền. Trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thực sự rõ ràng. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả, thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.

Để là “sếu đầu đàn”, doanh nghiệp cần cơ chế, nguồn lực để bứt phá đi lên

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đề án về phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, nhằm hình thành “sếu đầu đàn”, đóng vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Làm được điều này sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, song trong bối cảnh hiện nay, nhưng theo ông Đặng Quyết Tiến, việc hình thành "sếu đầu đàn" chưa chín muồi khi nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, vẫn rất cần vai trò nền tảng, ổn định của DNNN. Để là “sếu đầu đàn”, doanh nghiệp cần cơ chế, nguồn lực để bứt phá đi lên, chứ không chỉ dành nguồn lực cho việc hỗ trợ, ổn định…

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong giai đoạn khó khăn, vai trò của DNNN là rất quan trọng, là nền tảng để đảm bảo sự ổn định cho các thành phần khác. Tuy nhiên, khi vai trò nền tảng, hỗ trợ này càng lớn, càng kéo dài thì khó khăn của DNNN cũng càng lớn.

Ví dụ như trong lĩnh vực xăng dầu, DNNN vẫn phải gánh lỗ để ổn định thị trường, chứ không thể đóng cửa nếu lỗ như doanh nghiệp tư nhân. Hay ở lĩnh vực điện, doanh nghiệp điện năm nay đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không có giải pháp căn cơ bởi khi giá đầu vào tăng cao vẫn phải neo giá bán ra để ổn định đời sống nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Đây là sự hy sinh để đảm bảo ổn định vĩ mô. Do đó, con số hiệu quả kinh tế của DNNN không thể cao. Nếu tính hết những giá trị xã hội mà DNNN đang gánh vác, thì mức độ đóng góp của DNNN thực tế lớn hơn con số khoảng 29% GDP như hiện nay.

Theo định hướng của Đảng, Nhà nước, DNNN tới đây sẽ phải tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ chính trị và kinh doanh, để tránh sự không rõ ràng, minh bạch khi đánh giá về hiệu quả DNNN, về nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Để thể chế hóa được nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, phải có quy định công khai, minh bạch, không bao cấp mà theo nguyên tắc hiệu quả. Theo đó, Nhà nước trả tiền cho dịch vụ công đúng theo giá thành. Hiện nay, một số DNNN đang thực hiện chính sách xã hội thông qua việc bán dưới giá thành. Như vậy là Nhà nước đang hỗ trợ trực tiếp qua doanh nghiệp, không đảm bảo việc Nhà nước đặt hàng dịch vụ công, khiến việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không rõ ràng, trong khi phạm vi hỗ trợ lại trở nên quá rộng so với nguồn lực.

Phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp nhà nước đạt giá trị trên 5 tỷ USD

Báo cáo đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho biết đã đặt ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới.

Theo đó, đến hết năm 2025, phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế).

Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN.

Vào năm 2025, có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD.

Về phát triển bền vững, 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.

Cùng với đó, đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 – 2025 tăng khoảng 5% – 10% so với giai đoạn 2016 – 2020.

Để thực hiện các mục tiêu này, một trong những giải pháp về hoàn thiện thể chế được nêu là Quốc hội xem xét đưa vào chương trình làm việc nội dung về việc ban hành Luật Sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13 nhằm hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đồng bộ với quá trình và nội dung sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…