Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư
Nguyên nhân một phần do phương thức giải quyết trọng tài tại Việt Nam đôi khi vẫn chưa thực sự hiệu quả, đã làm giảm lòng tin của khách hàng. Điều này phần nào cản trở hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra trong Hội thảo "Sử dụng hiệu quả Trọng tài quốc tế tại Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực Xây dựng cơ sở hạ tầng, Thương mại và Đầu tư" diễn ra ngày 13/7 tại Hà Nội.
Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) và Trung tâm Giải quyết tranh chấp Quốc tế Seoul (SIRDC) tổ chức.
Hội thảo được chia thành 3 phần chính với các nội dung: Những thay đổi gần đây trong khung pháp lý về Trọng tài tại Việt Nam và Hàn Quốc; Các vụ việc và bài học: Tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và Hàn Quốc; Nhà đầu tư nước ngoài và các tranh chấp quốc tế trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng: Quá trình thành lập các khiếu kiện.
Ông Shin Hi-Teak, Chủ tịch Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế Seoul cho biết, Hàn Quốc có nguồn vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam trong 5 năm qua. Nguồn vốn đầu tư của các công ty Hàn Quốc tương đương 35% tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu đứng thứ 3 của Hàn Quốc và là nhà nhập khẩu đứng thứ 8 của Hàn Quốc. Con số này thể hiện đầu tư của 2 quốc gia đã đạt nấc thang mới. Sự đầu tư này đóng góp sự phát triển vào mối quan hệ song phương của 2 quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Shin Hi-Teak, trong quá trình phát triển, tranh chấp là điều không thể tránh được đặc biệt về lĩnh vực đầu tư, thương mại. Vì vậy, cần có cơ chế giải quyết hiệu quả. Hiện nhiều quốc gia Châu Á đang nỗ lực xây dựng, cải thiện khung pháp lý về giải quyết tranh chấp của mình.
Ông Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý VIAC cho biết, Việt Nam đã gia nhập WTO và kí nhiều Hiệp định thương mại tự do đồng nghĩa với việc các giao dịch thương mại xuyên biên giới sẽ tăng lên và cùng với đó là các tranh chấp phát sinh. Vì vậy, nhu cầu sử dụng trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp là hết sức cấp thiết.
Theo ông Hạnh, có một sự bất cân bằng trong các hình thức giải quyết tranh chấp ở Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với giải quyết tranh chấp bằng hình thức khác đặc biệt là hòa giải cấp sơ sở. Có một số nguyên nhân cho tình trạng này: Thứ nhất, đến từ văn hóa, truyền thống. Người Việt Nam thường giải quyết bằng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải cơ sở hay tòa án chứ không sử dụng trọng tài.
Thứ hai, là về quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, trị giá tranh chấp thường không lớn và các doanh nghiệp thường cố gắng tìm tới các tổ chức của Nhà nước để giải quyết như là tòa án hoặc các cơ quan hành chính. Trong khi đó, phương thức giải quyết trọng tài tại Việt Nam đôi khi vẫn chưa thực sự hiệu quả, đã làm giảm lòng tin của khách hàng. Điều này phần nào cản trở hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Liên quan đến xu thế phát triển của xử kiện bằng trọng tài tại Việt Nam, ông Hạnh đưa ra một số khuyến nghị, đó là cần tiếp tục cải thiện Luật trọng tài ở Việt Nam để đáp ứng yêu cầu theo các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do, cam kết WTO,... Đặc biệt là vấn đề quyền hạn và vai trò của tòa án ở Việt Nam đối với hoạt động trọng tài, bởi hiện nay, thẩm quyền của tòa án và trọng tài chưa được rõ ràng nên vẫn có những trường hợp tòa án can thiệp vào quyền hạn của hội đồng trọng tài. Điều này nhiều khi khiến trọng tài mất đi tính độc lập và rủi ro phán quyết trọng tài bị hủy, khiến cho lòng tin của nhà đầu tư bị giảm sút./.
Bùi Tư