90 ngày “chốt số” tài sản công sau sắp xếp tổ chức bộ máy Không khuyến khích bán thanh lý - hướng đi bền vững cho tài sản công dôi dư |
Đó là một trong những nội dung tại Công văn số 9958/BTC-QLCS/BTC-QLCS ngày 4/7/2025 của Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ) gửi tới trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.
Kịp thời ban hành văn bản hợp nhất, dễ tra cứu và thực hiện
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và sử dụng tài sản công còn quy định rải rác ở nhiều văn bản nên rất khó khăn trong việc tra cứu, nghiên cứu, áp dụng, bao gồm: Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật trong đó có Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2024; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính…
Cử tri đề nghị Bộ Tài chính quan tâm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản có liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho cấp xã, để thuận tiện trong việc tra cứu, áp dụng.
![]() |
Vấn đề xử lý tài sản công sau sáp nhập được đông đảo cử tri quan tâm. Ảnh minh họa |
Ngày 25/6/2025, Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... tại Kỳ họp thứ 9 (Luật số 90/2025/QH15). |
Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, chương trình công tác của Chính phủ từ cuối năm 2024 đến nay, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị định, 1 quyết định để sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công nhằm phục vụ cho mô hình chính quyền hai cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy...
Hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (thay thế Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, Nghị định số 50/2025/NĐ-CP của Chính phủ), trình Chính phủ ban hành tại Tờ trình số 376/TTr-BTC ngày 29/6/2025.
Các chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công mà Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền triệt để phù hợp với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đối với các văn bản sửa đổi, bổ sung thì ngay sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, Bộ Tài chính đã kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hợp nhất để các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng khác dễ tra cứu và thực hiện trong thực tế.
Có cơ sở pháp lý và hướng dẫn trực tiếp để xử lý dứt điểm đối với tài sản dôi dư
Cử tri tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị nghiên cứu ban hành quy định đặc thù để xử lý dứt điểm đối với tài sản dôi dư không có nhu cầu tiếp tục sử dụng sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm quản lý hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí. Đối với tài sản dôi dư không có nhu cầu tiếp nhận sử dụng khi chưa có phương án xử lý dứt điểm cần có quy định mới, hướng dẫn để thống nhất khi thực hiện.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, từ cuối năm 2024 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Chính phủ đã ban hành 12 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 quyết định và 02 công điện.
![]() |
Có hai nhóm tài sản công dôi dư sau sáp nhập - đó là thiết bị máy móc, bàn ghế làm việc dôi dư và nhà đất. Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính đã ban hành 01 thông tư và 09 văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết nguyên tắc, hình thức, thẩm quyền, trách nhiệm bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính; thành lập tổ công tác, đoàn công tác liên ngành làm việc với các địa phương để hướng dẫn, đôn đốc trực tiếp. Đồng thời, Đảng ủy Bộ Tài chính đã báo cáo Đảng ủy Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị về việc rà soát tổng thể và xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, để sử dụng, khai thác hiệu quả triệt để các công trình, tài sản công dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính, tại các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn đã hướng dẫn việc xử lý tài sản khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính phải thực hiện theo các nguyên tắc chính:
Kiểm kê đầy đủ tài sản để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý và bàn giao, tiếp nhận tài sản bảo đảm không làm gián đoạn việc thực hiện nhiệm vụ, không làm thất thoát, lãng phí tài sản;
Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài...;
Ưu tiên chuyển đổi công năng trụ sở dôi dư để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương.../.
Đã điều chỉnh tăng số lượng, mức giá của máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến Cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị, theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017, quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến thì định mức đơn giá tối đa không còn phù hợp với giá cả thị trường hiện nay. Đặc biệt trong công cuộc thực hiện cách mạng xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử thì cán bộ, công chức, viên chức cần được trang bị trang thiết bị, máy móc hiện đại, tiên tiến, cấu hình cao, chất lượng tốt mới có thể đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên không gian điện tử, chính quyền số, không gian mạng. Cử tri đề nghị điều chỉnh tăng định mức đơn giá tối đa quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg; bổ sung thêm quy định về tăng số lượng, chủng loại, tên thiết bị và có quy định hướng dẫn về các cấu hình mẫu, cấu hình tương tự để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên không gian mạng, yêu cầu về chính quyền số, chính quyền điện tử... Trả lời nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2025/QĐ-TTg ngày 14/6/2025 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị (thay thế Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Trong đó đã điều chỉnh tăng số lượng, mức giá của máy móc, thiết bị so với Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg, bổ sung các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị phục vụ công tác các chức danh, phục vụ hoạt động chung, máy móc, thiết bị chuyên dùng (có yêu cầu về tính năng, dung lượng, cấu hình và mức giá cao hơn) để phục vụ mục đích xây dựng chính quyền số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị. |