Việt Nam tiếp tục duy trì “tốp đầu” các quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hợp tác chia sẻ thông tin, chủ động ứng phó chính sách thuế từ Hoa Kỳ |
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 6/2025 ước đạt 1,4 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 6/2025 ước đạt 300 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
Hoa Kỳ là thị trường chủ lực của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ảnh: TL |
Về thị trường trong nước, giá gỗ trong thời gian ngắn vẫn sẽ ở mức ổn định, với một số chủng loại gỗ có xu hướng tăng nhẹ. Dăm gỗ được sử dụng nhiều trong ngành sản xuất bột giấy và viên nén dùng trong vật liệu xây dựng, nội thất, nông nghiệp nên có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. |
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,6%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 12,6% và 10,4%.
Theo kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng cuối năm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ này nhận định, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong các mặt hàng có khả năng suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2025 vì nhiều khó khăn. Hơn nữa, đây là mặt hàng chịu áp lực lớn nhất từ thuế suất của thị trường Hoa Kỳ do thị phần lớn. Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2025 ước đạt 18,5 tỷ USD tăng 7% so với cùng kỳ 2024, trong đó 6 tháng đầu năm cần đạt 8,4 tỷ USD, 6 tháng cuối năm cần đạt khoảng 10,1 tỷ USD.
Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ, để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Hiện nay, hạn chế của ngành gỗ Việt Nam là nội lực và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, những chính sách thuế quan từ thị trường nhập khẩu cũng sẽ là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực hóa giải và vượt qua.
Thúc đẩy gia tăng thị phần xuất khẩu song hành với mở rộng thị trường
Trước những khó khăn đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết, ngành gỗ cần tập trung vào các thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường chủ lực là Hoa Kỳ.
Thị trường Hoa Kỳ đang có sự mất cân đối về kim ngạch và thuế dẫn đến sức cạnh tranh kém, khách hàng tìm nguồn hàng từ thị trường khác. Vì vậy, thời gian tới cần tận dụng ưu thế đồ gỗ Việt Nam với sản phẩm đa dạng, chi phí cạnh tranh, năng lực sản xuất lớn, khả năng sản xuất theo hình thức OEM (sản xuất thiết bị gốc)/ODM (sản xuất thiết kế gốc) linh hoạt và tuân thủ tốt tiêu chuẩn gỗ hợp pháp.
Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm, duy trì các dòng sản phẩm phù hợp để xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
![]() |
Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2025 ước đạt 18,5 tỷ USD. Ảnh: TL |
Ngoài ra, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho các vấn đề điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, nhân rộng cấp mã số vùng trồng rừng sau thời gian thí điểm nhằm giúp củng cố khả năng tuân thủ xuất xứ cho nguyên liệu gỗ, hạn chế nguy cơ các cuộc điều tra gian lận, góp phần quản lý rừng bền vững và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu xuất xứ của Hoa Kỳ và các thị trường khác; tăng cường quản lý, lưu trữ chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, để minh bạch thông tin xuất xứ, vượt qua các rào cản pháp lý.
Đối với các doanh nghiệp gỗ cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro như lãi suất, tỷ giá, điều tra phòng vệ thương mại, tăng khả năng tiếp cận vốn, phát triển bền vững, xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ khâu trồng rừng, chế biến đến phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Úc và Trung Đông. Song song đó, cần thận trọng với nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nước đang là đối tượng bị Hoa Kỳ áp thuế.
Đối với thị trường truyền thống và tiềm năng khác, ngành gỗ cần tiếp tục thúc đẩy gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm là dăm gỗ, ván bóc, gỗ xẻ, ván dăm, ván ghép và đồ mộc xây dựng...
Ngoài ra, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Canada, Trung Đông - thị trường tiềm năng với số lượng dự án resort gia tăng để bù đắp lượng sụt giảm tại thị trường chính; đẩy mạnh việc tham gia các hội chợ quốc tế để quảng bá trực tiếp sang các thị trường.
Ngành gỗ cần xem xét chuyển hướng sản phẩm và tiêu thụ tại thị trường trong nước và chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt do các quốc gia bị áp thuế có thể tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho Việt Nam.../. |