5 nhóm giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng Chuyên gia gợi ý chiến lược để Việt Nam thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ Doanh nghiệp Việt tìm lợi thế chiến lược trước thuế đối ứng

Chờ đợi không còn là chiến lược

Kể từ khi Hoa Kỳ công bố gói thuế quan mới từ tháng 4/2025, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu cảm nhận tác động lan tỏa. Chi phí xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ - vốn là thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng đột ngột, trong khi đơn hàng bị hoãn, hoặc cắt giảm do đối tác Hoa Kỳ lo ngại giá thành cao hơn. Như vậy, doanh nghiệp chịu tác động kép: chi phí tăng, lợi nhuận giảm.

Doanh nghiệp Việt không nên chần chừ trong bối cảnh thuế quan với Hoa Kỳ
Doanh nghiệp chịu tác động kép từ thuế quan khi chi phí tăng lợi nhuận giảm. Ảnh minh họa

Nhưng điều đáng lo hơn không chỉ là mất doanh thu. Câu hỏi đặt ra là ai gánh phần chi phí đó, khi chuỗi giá trị bị nén lại vì thuế quan? Doanh nghiệp Việt Nam hay Hoa Kỳ? Mỗi lựa chọn đều mang hệ quả thuế và dòng tiền khác nhau.

Cập nhật đàm phán thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ về thuế đối ứng trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 15/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và mang lại kết quả lợi ích cho cả hai bên".

Chia sẻ với phóng viên, bà Lâm Thị Ngọc Hảo - Lãnh đạo Khối tư vấn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (KPMG Việt Nam) cho rằng, không còn là câu chuyện “nước xa không cứu được lửa gần”, áp lực từ chính sách thương mại mới đang đẩy chi phí vận hành tăng vọt, làm xói mòn lợi nhuận và kéo theo rủi ro pháp lý về thuế và định giá chuyển nhượng.

Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn trong “tâm lý chờ đợi” - hy vọng các chính sách thuế quan chỉ là tạm thời và sẽ còn nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo bà Hảo, chờ đợi không còn là chiến lược. Kinh nghiệm từ các cuộc chiến thương mại trước cho thấy các biện pháp như vậy có thể kéo dài và gây thiệt hại không thể phục hồi nếu không chuẩn bị trước.

“Trong tình thế này, chậm trễ là điều xa xỉ” - bà Hảo cảnh báo. Theo bà Hảo, trong một thế giới mà chính sách thương mại toàn cầu có thể thay đổi qua một đêm, sự chủ động và nhanh nhạy của doanh nghiệp sẽ là yếu tố sống còn. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không chỉ cần thích nghi về sản phẩm hay thị trường, mà còn phải làm chủ về pháp lý, thuế và tài chính quốc tế.

Những việc cần làm ngay

Trả lời câu hỏi về việc doanh nghiệp cần làm gì lúc này, bà Hảo cho biết, một trong những hành động cấp thiết mà doanh nghiệp cần triển khai là rà soát xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, việc rà soát này không chỉ là bài toán giá, mà doanh nghiệp cần phân tích sâu chuỗi cung ứng, tỷ suất lợi nhuận gộp, chi phí thuế nhập khẩu tại Hoa Kỳ và tác động dây chuyền đến hoạt động tài chính trong cả năm.

Việc chứng minh xuất xứ (CO) rõ ràng có thể là chiếc “phao cứu sinh” trong bối cảnh một số mặt hàng được miễn trừ nếu chứng minh không có nguồn gốc từ nước chịu thuế cao. Đây là lúc rà soát quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu và hợp tác với hải quan để chuẩn hóa tài liệu.

Cùng với đó là việc điều chỉnh hợp đồng thương mại. Các hợp đồng với đối tác Hoa Kỳ cần được rà soát lại về điều khoản giá, điều kiện giao hàng và phân bổ rủi ro thuế. Việc đưa điều khoản linh hoạt về biến động thuế có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu tranh chấp hoặc bất lợi tài chính.

Doanh nghiệp Việt không nên chần chừ trong bối cảnh thuế quan với Hoa Kỳ
Một trong những việc doanh nghiệp cần làm ngay là rà soát xuất xứ hàng hoá. Ảnh: T.L

Ở góc độ quản lý tài chính, bà Lưu Bảo Liên - Lãnh đạo Bộ phận tư vấn quản lý tài chính, (KPMG Việt Nam) lưu ý, khi không thể tránh hoàn toàn thuế quan mới, doanh nghiệp cần “co lại” ở những điểm có thể co để giữ cho dòng tiền không bị đứt gãy. Việc quản trị dòng tiền và cân đối lại vốn lưu động cần tối ưu để hấp thụ chi phí thuế quan.

Theo đó, doanh nghiệp cần đánh giá lại vòng quay tồn kho. Ví dụ, nếu trước đây doanh nghiệp có thể duy trì tồn kho 60 ngày, nay cần rút xuống 30-40 ngày để giảm áp lực chi phí lưu kho, bảo hiểm và vốn chết. Một số doanh nghiệp có thể xem xét áp dụng mô hình Just-in-Time (JIT) linh hoạt hơn, đồng thời phối hợp chặt với nhà cung cấp để lên lịch nhập hàng theo sát đơn hàng thực tế.

Trong giai đoạn dòng tiền bị siết, việc rút ngắn thời gian thu tiền từ khách hàng trở nên sống còn với doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần rà soát lại chính sách tín dụng thương mại: có thể yêu cầu đặt cọc trước cao hơn, rút ngắn thời gian thanh toán, hoặc cung cấp chiết khấu cho thanh toán sớm.

“Với thị trường Hoa Kỳ, nơi đối tác có thể yêu cầu lùi thời hạn thanh toán do chi phí tăng, doanh nghiệp cần đàm phán kỹ để tránh đẩy rủi ro tài chính về phía mình”- bà Liên gợi ý.

Với các khoản phải trả - đòn bẩy trực tiếp giúp hấp thụ chi phí thuế, doanh nghiệp nên đàm phán kéo dài thời hạn thanh toán với nhà cung cấp - đặc biệt là nhà cung cấp trong nước hoặc ASEAN. Tuy nhiên, cần cân đối cẩn thận, kéo dài quá mức có thể ảnh hưởng đến uy tín tín dụng hoặc làm gián đoạn nguồn cung.

Đối với dòng tiền thuần từ hoạt động, bà Lưu Bảo Liên cho rằng, nếu doanh nghiệp chấp nhận gánh một phần chi phí thuế quan để giữ thị phần, thì cần tăng hiệu quả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để “nuôi” phần chi phí phát sinh đó.

“Quản lý vốn lưu động tốt đòi hỏi sự phối hợp chặt giữa phòng kế toán, tài chính và vận hành để kiểm soát chi phí, hợp lý hóa quy trình sản xuất và phân phối tốt hơn” - bà Liên nhận định.