Dân dĩ thực vi tiên

Cho rằng bây giờ là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình xây dựng đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đi sâu đúc kết thực tiễn, dày công nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi.

Theo ông, đây không chỉ là một công trình khoa học mà còn là một tác phẩm phục vụ nhân dân, nên không phải là một bản sao chép và càng không phải là văn kiện “bày tủ kính”. 200 trang vừa được hình thành, tuy chưa hoàn chỉnh, chưa nêu rõ được những đột phá... nhưng cũng là đề cương tương đối tốt, bảo đảm những nguyên tắc lớn, những yêu cầu chủ đạo trong định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân, vì nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho công nhân TP. Hồ Chí Minh dịp Tết Nhâm Dần, ngày 23/1/2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho công nhân TP. Hồ Chí Minh dịp Tết Nhâm Dần, ngày 23/1/2022.

Lưu ý chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời hạn phải trình dự thảo, Chủ tịch nước yêu cầu đặt đồng hồ đếm ngược thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt tập trung đi đến cùng trong việc bàn cho ra các vấn đề nhạy cảm, quan trọng, đột phá với phương pháp khoa học, đúng đắn và thuyết phục, với tinh thần "vì nước, vì dân".

Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được né tránh những vấn đề bất cập, tồn tại kéo dài, bất hợp lý mà cần làm rõ các bất cập, tồn tại này do đâu, do công tác lập pháp, hành pháp hay những vấn đề khác được quy định trong Hiến pháp, từ đó có hướng khắc phục.

Để đề án chiến lược này không trở thành một tác phẩm chỉ để “bày tủ kính” mà còn có thể trở thành sách “gối đầu giường” với nhiều người dân, theo Chủ tịch nước: “Xuyên suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong từng suy nghĩ, từng hành động của chúng ta, luôn phải sát với hơi thở thực tiễn cuộc sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân. Muốn bàn đến những vấn đề đột phá, thì trước hết, với sự thực tâm, thực lòng và trách nhiệm rất cao, chúng ta luôn phải trả lời được câu hỏi người dân đang mong gì nhất, cần gì nhất”.

Nguồn: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nguồn: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước vì nhân dân. Mà vì nhân dân, thì rõ ràng không phải lúc nào cũng chỉ là nói đến những việc to tát, hàn lâm, bởi như cổ nhân thường nói “dân dĩ thực vi tiên”, cơm ăn ngày hai bữa với người dân là quan trọng hàng đầu, đủ no mới đủ cháy bùng lên khát vọng hùng cường.

Hiện thân ra sao?

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam muốn thành công, thì ít nhất cũng phải giúp cho người dân cảm nhận được rõ ràng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện thân ra sao trong nhịp sống thường nhật. Bởi vậy, ngay trong những phát biểu trước toàn dân khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ vào 6 năm trước hay khi nhậm chức Chủ tịch nước vào mùa hè năm ngoái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều cố gắng nói thẳng vào điều mà nhân dân muốn quan tâm lắng nghe. Như khi phát biểu nhậm chức vào tháng 7/2021, Chủ tịch nước khái quát về những niềm vui của nhân dân bằng những hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà cũng rất đỗi bình an, nên thơ: những mùa màng thêm bội thu, những dòng sông luôn tuôn chảy mát lành, những trẻ em luôn có những giấc mơ và hoài bão vươn xa còn những cụ già sống trọn phần đời thật ý nghĩa…

Không thể là nồi cơm nấu hai lần

“Chúng ta quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Để quá trình này có được đột phá, thì phải nêu bật được những vấn đề tồn tại lớn, khắc phục cho được các câu chuyện "quyền anh, quyền tôi" trong bộ máy nhà nước; phải đổi mới tư duy mạnh mẽ. Chiến lược này không thể là nồi cơm nấu hai lần; không thể là chép lại những thứ mà ai cũng biết, không dám đổi mới, không dám đột phá, không nêu những quan điểm mới". - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Hay khi phát biểu nhậm chức Thủ tướng vào tháng 7/2016, ông dẫn ra việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Năm 1919, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Và ông nhấn mạnh: “Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá”. Nói đi đôi với làm, người dân đã được thấy Chính phủ thể hiện một quyết tâm sắt đá chưa từng có trong đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không ngại đương đầu với mọi thách thức để đưa đất nước tiến bước.

Điển hình là hành động ngay giữa cuộc “đại chiến” với Covid-19 năm 2020, ngày 11/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án, cho dù ông này khi đó được xem là tướng cầm quân trong cuộc chiến chống dịch ở địa phương.

Món quà không sẵn có

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quá trình đã kéo dài hàng thập kỷ qua với nhiều giai đoạn chuyển đổi, từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước có tính pháp quyền, đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật. Qua từng thời kỳ, mô hình này với đặc điểm, tính chất đặc thù Việt Nam, từng bước tiếp cận chuẩn mực, tinh hoa nhân loại.

Nhưng phải đến Đại hội XIII, tháng 1/2021, Đảng mới lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được thành lập. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban Chỉ đạo.

Việc xây dựng đề án đã đi được nửa chặng đường. Đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án tập hợp, xử lý được hơn 4.000 trang tài liệu từ 27 chuyên đề nhánh, các tham luận tại 3 hội thảo quốc gia và kết luận của Chủ tịch nước - Trưởng ban Chỉ đạo. Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là thời cơ rất thuận lợi, với những điều kiện chín muồi để tạo được bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Việc nghiên cứu và ban hành chiến lược này, sẽ mở ra con đường sáng rõ hơn bao giờ hết để đưa cả dân tộc đến bến bờ giàu mạnh. Dù vậy, như nhìn nhận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045 “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ và tinh thần Đại hội Đảng XIII đề ra, đó không phải là một món quà có sẵn vào năm 2045, mà đó là mục tiêu cao cả mà chúng ta hôm nay và những thế hệ tiếp theo phải nỗ lực phấn đấu để giành được”. Đường tới thịnh vượng đã và sẽ tiếp tục là đường trường đòi hỏi sự không ngừng bền bỉ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân.