Eurozone tiếp tục trong 'vòng xoáy' lạm phát do giá lương thực tăng cao
Lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro trong tháng 2/2023 tuy giảm nhưng với tốc độ chậm hơn so với dự báo (Ảnh: T.L)

Lạm phát tại Eurozone trong tháng trước là 8,5%, giảm nhẹ so với mức 8,6% của tháng 1/2023. Tuy nhiên, con số trên vẫn cao hơn mức ước tính 8,2% mà các chuyên gia phân tích tại công ty dữ liệu tài chính FactSet đưa ra trước đó, cũng như mức 8,3% theo đánh giá của hãng tin Bloomberg.

Cùng với đó, lạm phát cơ bản của Eurozone đã tăng từ 5,3% trong tháng 1 lên mức kỷ lục mới 5,6% vào tháng trước.

Báo cáo của Eurostat cho thấy, chi phí năng lượng tiếp tục tăng chậm lại trong tháng 2, từ 18,9% xuống 13,7%. Tuy nhiên, giá lương thực và đồ uống đã tăng tới 15% - mức cao kỷ lục mới và vượt đáng kể mức 14,1% của tháng 1.

Đây là lần đầu tiên sau hai năm giá lương thực tăng cao hơn chi phí năng lượng. Song giới chuyên gia cho biết, họ dự kiến tỷ lệ lạm phát lương thực sẽ tăng chậm lại trong suốt cả năm 2023.

Trong số 20 quốc gia sử dụng đồng euro, Luxembourg ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất với 4,8% trong tháng 2/2023. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên khác của khối vẫn phải gánh chịu áp lực giá kéo dài.

Theo Eurostat, lạm phát của Pháp đã tăng lên 7,2% trong khi giá tiêu dùng của Đức tiến 9,3% trong tháng 2. Cơ quan Thống kê Italy cho biết, lạm phát ở nước này đã tăng lên 7,9% vào tháng trước.

Lạm phát tại Eurozone đã giảm dần từ mức đỉnh 10,6% ghi nhận hồi tháng 10/2022, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Các số liệu mới nhất càng củng cố cho nhận định ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, khi cuộc chiến kiểm soát lạm phát chưa kết thúc./.