Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Với động thái này, lãi suất cơ bản của ECB được điều chỉnh xuống còn 2,25%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Quyết định được đưa ra nhằm kích thích hoạt động vay mượn và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh triển vọng kinh tế khu vực đang xấu đi.

Trong tuyên bố cùng ngày, ECB cho biết nền kinh tế khu vực đồng euro đã xây dựng được mức độ chống chịu nhất định trước các cú sốc toàn cầu, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng đã suy yếu đáng kể do căng thẳng thương mại gia tăng.

Động thái này được đưa ra chỉ một tuần sau khi thị trường tài chính toàn cầu trải qua biến động mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 10% đối với toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ, đồng thời áp thuế 25% với các mặt hàng nhôm, ô tô và thép. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện đã làm lu mờ kỳ vọng phục hồi tăng trưởng của các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu, vốn có quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ.

ECB cảnh báo rằng mặc dù đã cắt giảm lãi suất, bất ổn gia tăng vẫn có thể làm suy giảm niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời khiến điều kiện tín dụng thắt chặt hơn do phản ứng tiêu cực và đầy biến động của thị trường trước căng thẳng thương mại. Đánh giá này cũng trùng khớp với kết quả khảo sát cho vay ngân hàng định kỳ được ECB công bố hồi đầu tuần.

ECB cũng điều chỉnh ngôn từ trong tuyên bố chính sách tháng này, thay thế cụm từ "bất ổn gia tăng" bằng "bất ổn ở mức độ đặc biệt", phản ánh mức độ lo ngại ngày càng lớn của cơ quan này đối với triển vọng kinh tế khu vực. Đồng thời, ECB tái khẳng định sẵn sàng kích hoạt các công cụ mua trái phiếu khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế nếu nguy cơ suy thoái trở nên rõ rệt.

Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng các biện pháp hạn chế thương mại gia tăng có thể khiến GDP của khu vực đồng euro sụt giảm 0,3% ngay trong năm đầu tiên. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel đưa ra đánh giá thẳng thắn hơn khi cho rằng triển vọng kinh tế của khối đã suy yếu nghiêm trọng, bất chấp các kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng ở cả cấp độ EU và tại các quốc gia thành viên.

Trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023, ECB đã nâng lãi suất từ 0% lên 4,5% nhằm kiểm soát lạm phát vốn bị thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, những lo ngại về lạm phát hiện đã bị lu mờ trước nguy cơ suy thoái do thương mại toàn cầu đình trệ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malta Alexander Demarco mới đây nhận định với Politico rằng các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể tạo ra tác động “gây giảm phát”, khiến khu vực đồng euro quay lại trạng thái lãi suất thấp và tăng trưởng trì trệ như thời kỳ trước đại dịch.

Lạm phát trong khu vực đã giảm trở lại, từ mức 2,3% trong tháng 2 xuống 2,2% trong tháng 3. ECB cho biết lạm phát hiện đang tiến gần đến mục tiêu 2% và không còn là yếu tố gây áp lực lớn trong ngắn hạn.

Diễn biến giá năng lượng hạ nhiệt trong tháng qua - một trong những yếu tố chính khiến chi phí tiêu dùng tăng cao - cũng góp phần làm giảm lo ngại về lạm phát. Đồng thời, đồng euro giữ được giá so với đồng USD trong bối cảnh nhà đầu tư rút vốn khỏi các tài sản của Mỹ, khiến giá hàng nhập khẩu vào châu Âu rẻ hơn, nhưng đồng thời làm suy yếu khả năng cạnh tranh của xuất khẩu và đè nặng thêm lên triển vọng tăng trưởng của khu vực./.