Taxi

Nhiều giải pháp được Bộ GTVT đưa ra để quản lý hoạt động kinh doanh taxi. Ảnh: TL

Những đề xuất trên được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra tại dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (lần 3) để lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước.

Theo dự thảo, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào Km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi; xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm. Taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.

Cùng với đó, từ ngày 1/7/2015, xe taxi sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình để doanh nghiệp kinh doanh và Nhà nước dễ dàng quản lý, đến năm 2016 trên loại phương tiện này phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ đếm cước để lái xe tính tiền và trả cho hành khách nhằm loại bỏ taxi “dù”.

Trong Dự thảo, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ giao Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi; quản lý hoạt động vận tải bằng taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ cho xe taxi trên địa bàn.

Cụ thể, Uỷ ban Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Đến năm 2016, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khác quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng Doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn...

Nhằm loại bỏ và hạn chế bớt số lượng các đơn vị không đủ điều kiện để cấp phép kinh doanh taxi, Bộ GTVT cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cần quy định số lượng xe taxi tối thiểu mà mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã phải có (không dưới 10 xe và không quá 100 xe) khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn./.

Trí Dũng