Một quầy bán gạo tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TL |
Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không có nhiều thay đổi; nguồn cung ngô và đậu tương tại Mỹ eo hẹp khiến giá tăng cao; giá cà phê tại thị trường Âu - Mỹ biến động trái chiều.
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng trong tuần này, nhờ sự gia tăng lượng đơn đặt hàng và tình trạng cạn kiệt nguồn cung khi mùa thu hoạch sắp kết thúc.
Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã giảm tuần thứ hai xuống mức thấp hồi giữa tháng 1.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 490-495 USD/tấn, mức cao nhất tính từ đầu tháng 2; trong khi giá gạo Việt Nam ở mức 495-500 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó.
Bộ Thương mại Thái Lan cho hay xuất khẩu gạo của Thái Lan trong quý I/2023 ở mức 2,06 triệu tấn, tăng 18,48% so với 1 năm trước đó.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được bán với mức giá 378-382 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 382-388 USD/tấn của tuần trước và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/1.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ, Satyam Balajee, cho biết nhu cầu đang chậm lại và giá đang giảm.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 495-500 USD/tấn trong phiên 27/4, không thay đổi so với 1 tuần trước.
Một thương nhân ở tỉnh An Giang, đồng bằng sông Cửu Long cho biết, nguồn cung ngày càng thắt chặt do vụ thu hoạch chính trong năm sắp kết thúc và vụ thu hoạch tiếp theo sẽ đến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Tuy nhiên, các thương nhân đã tăng lượng mua hàng từ nông dân với dự đoán nhu cầu cao hơn từ thị trường nước ngoài. Tính đến ngày 15/4, Việt Nam xuất khẩu 2,37 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 33,7% so với 1 năm trước đó.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đi lên trong phiên 28/4, dẫn đầu đà tăng là đậu tương. Ảnh: TL |
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2023 tăng 3,5 xu (0,6%) lên 5,85 USD/ bushel; giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 4,5 xu (0,72%) lên 6,3375 USD/bushel; còn giá đậu tương giao tháng Bảy tăng 15,5 xu (1,1%) lên 14,1925 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Nguồn cung ngô và đậu tương tại Mỹ eo hẹp đã ảnh hưởng đến thị trường. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến đậu tương và ethanol của Mỹ cũng săn hàng để phục vụ nhu cầu cung ứng trong tương lai.
Có tin đồn rằng Trung Quốc sẽ thông báo hủy đơn đặt hàng ngô Mỹ do ngô Brazil rẻ vào cuối mùa hè này. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng Trung Quốc đã mua 8,6 triệu tấn ngô Mỹ và sẽ tiếp tục đặt thêm 1 triệu tấn nữa.
Trong khi đó, giá ngô FOB của Argentina thậm chí còn rẻ hơn so với Brazil, được chào bán ở mức thấp hơn 0,85 USD/bushel so với giá tại vùng Vịnh của Mỹ.
Giá đậu tương Brazil đang phục hồi hoàn toàn khi vụ thu hoạch kết thúc. Nhu cầu xuất khẩu đối với đậu tương Brazil vẫn mạnh với các lô hàng tháng 4 ước tính đạt mức kỷ lục từ 15 đến 15,5 triệu tấn.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (28/4) cũng là phiên cuối tháng, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe-London đi lên, với hợp đồng giao tháng 7 tăng 4 USD, lên 2.409 USD/tấn và hợp đồng giao tháng 9 tăng 3 USD lên 2.386 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp tục sụt giảm, với hợp đồng giao tháng 7 giảm 2,25 xu xuống 185,95 xu/lb và hợp đồng giao tháng 9 giảm 2,2 xu xuống 183,20 xu/lb. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 51.000 - 51.500 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều. cà phê Robusta điều chỉnh tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, trong khi nhu cầu càphê giá rẻ ngày càng cao.
Trái lại, giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm khi nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn tạm thời và rút khỏi thị trường do suy đoán kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái, sẽ khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu vì mức thu nhập ngày càng thấp./.