Giá gạo Việt Nam khó giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn vào đầu năm 2024
Nguồn cung thắt chặt, nhu cầu gia tăng khiến thị trường gạo thế giới sôi động hơn nữa. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả lúa gạo trong nước và thế giới từ đầu tháng 12 đến nay?

Giá gạo Việt Nam khó giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn vào đầu năm 2024

Ông Nguyễn Đức Dũng: Từ đầu tháng 12 đến nay, giá gạo thế giới nói chung và giá gạo Việt Nam xuất khẩu nói riêng neo ở vùng giá cao trong vòng 15 năm qua. Đáng chú ý, trong ngày giao dịch 21/12, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã được chào bán ở mức 660 - 665 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2008. Bên cạnh đó, gạo Thái Lan cũng đã cán mốc cao nhất trong lịch sử 15 năm.

Sang đến tuần cuối cùng của tháng 12/2023, giá gạo Việt Nam đã hạ nhiệt. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 10 USD còn 653 USD/tấn, gạo 25% tấm của Việt Nam giảm 10 USD về mức 633 USD/tấn. Dù đã đi xuống nhưng giá gạo Việt vẫn cao nhất thế giới.

Thái Lan hiện đang đứng thứ hai với giá bán gạo 5% tấm ở mức 648 USD/tấn, tăng nhẹ 5 USD/tấn so với hồi tuần trước; giá gạo 25% tấm nước này đang có giá 584 USD/tấn, ít hơn so với gạo của Việt Nam khoảng 49 USD. Đứng thứ ba là giá gạo Pakistan đang đứng ở vị trí thứ 3 với mức chào bán gạo 5% tấm là 593 USD/tấn, gạo 25% tấm là 513 USD/tấn.

Tôi cho rằng tuần qua, giá gạo đã “bớt nóng” là do thị trường trầm lắng vì không còn nhiều hàng để giao dịch. Cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều đang chờ đợi đợt thu hoạch đông xuân với nguồn cung dồi dào hơn. Trong khi đó, cuối năm, thị trường gạo Thái Lan sôi động hơn nhờ các đơn hàng mới liên tục được ký kết. Tuần trước, Indonesia và Thái Lan đã thảo luận về một hợp đồng lên tới 2 triệu tấn gạo; trong số này có 1 triệu tấn theo hợp đồng cấp Chính phủ và phần còn lại theo thỏa thuận thương mại. Thông tin này đã khiến giá gạo nội địa Thái Lan tăng nhanh.

Giá gạo Việt Nam khó giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn vào đầu năm 2024

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng mạnh trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân đẩy giá mặt hàng gạo tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong đó, cung - cầu là yếu tố chính tác động chính lên diễn biến giá.

Kể từ tháng 3 năm nay, El Nino xuất hiện gây khô hạn và làm giảm năng suất mùa màng nhiều khu vực trồng lúa trọng điểm khắp châu Á. Điều này làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung gạo trên toàn cầu.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 lên mức kỷ lục 523,5 triệu tấn, vượt sản lượng khoảng 5,4 triệu tấn. Như vậy, đây là năm thứ ba thế giới bị thâm hụt nguồn cung.

Trước tình hình này, nhiều quốc gia nhập khẩu buộc phải đẩy mạnh thu mua nhằm đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nguồn cung thế giới thắt chặt, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng cao là nguyên nhân chính đẩy giá lúa gạo liên tục tăng mạnh từ tháng 8 đến nay.

Đáng chú ý, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10/2023, tuy nhiên nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục gia hạn sang năm 2024. Do đó, thế giới vẫn đang bị thiếu hụt 40% từ nguồn cung lớn này. Ngoài ra, nhu cầu thu mua và dự trữ gạo của các nước như: Indonesia, Trung Quốc, Philippines vẫn còn đang rất cao.

Tôi nhớ rằng, tại cuộc họp bàn “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, giá gạo trong nước tăng nóng trong thời gian qua còn do các nhà cung ứng, người mua trung gian tác động. Họ làm cho giá gạo nhích lên mỗi ngày một ít và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục như hiện nay.

PV: Trong thời gian tới, dự báo giá lúa gạo trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Giới phân tích đang dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 có thể đạt kỷ lục, gần 520 triệu tấn, tuy nhiên mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn, nguyên nhân xuất phát từ lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Trong khi đó, Ấn Độ, nhà xuất khẩu 40% tổng lượng gạo thế giới, có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024. Do đó, theo tôi, thời gian tới, nhiều khả năng, giá gạo toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Diễn biến đồng pha, giá gạo Việt cũng khó có thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn, ít nhất là giai đoạn đầu năm 2024.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, lo ngại nguồn cung thắt chặt, nhu cầu gia tăng mạnh mẽ ở nhiều nước châu Á sẽ khiến thị trường gạo thế giới sôi động hơn nữa. Bởi vì mới đây, Indonesia cũng thông báo sẽ nhập khẩu thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan. Đồng thời, chính phủ nước này cũng đã chỉ đạo Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog) nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024 để đảm bảo nguồn dự trữ gạo.

Bên cạnh Indonesia còn có Philippines - quốc gia nhập khẩu nhiều nhất gạo của nước ta đã tăng mua trở lại; Trung Quốc cũng có xu hướng mua nhiều các loại gạo nếp cho các dịp Lễ Tết đầu năm. Ngoài ra, thị trường Malaysia cũng đang trong tình trạng thiếu hụt gạo cho hoạt động chế biến.

PV: Xin cảm ơn ông!