Gia Lai: Chặn sốt đất cục bộ bằng biện pháp mạnh
Khu đất đã được phân lô, bán nền tại TP.Pleiku tỉnh Gia Lai. Ảnh: CTV

Cao hơn giá khởi điểm 365%

Theo các chuyên gia lĩnh vực bất động sản (BĐS), sau Tết Nguyên đán, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt.

Cơn sốt đất gần đây xuất hiện ở rất nhiều nơi. Không chỉ khu vực Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành, từ đồng bằng cho đến miền núi, trung du… cũng đã xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ.

Tại tỉnh Gia Lai không phải ngoại lệ mà thậm chí còn là “điểm nóng” được thể hiện rõ trong các đợt đấu giá đất nền vừa qua. Sốt đất nhất là các khu vực giáp ranh với TP.Pleiku như xã Ia Sao, Ia Der hoặc các địa điểm gần khu vực sân Golf FLC, khu trung tâm hành chính mới ở huyện Đak Đoa… Đi dọc các đường làng của thôn Jút 2, thôn Đức Thành (thuộc huyện Ia Grai) biển quảng cáo bán đất giăng trên cây, trụ điện và trước ngõ nhà dân. Đơn cử, tại đường Văn Cao (thôn 2, xã Trà Đa) và thôn 1, (xã Biển Hồ, TP.Pleiku), nhân viên công ty môi giới bất động sản dẫn khách từng tốp 3 đến 5 người đi xem đất. Có chủ đất mua hơn 1.000m2 đất, san phẳng vườn cà phê rồi cắm cọc phân từng lô.

Lãnh đạo một phường vùng ven TP.Pleiku thừa nhận, cò đất từ các nơi đổ về, cấu kết với nhiều người tại chỗ, lấy dự thảo quy hoạch đất giai đoạn 2021-2030 để thổi giá đất, đưa tin đồn ảo tạo cơn sốt đất. Ví như, những khu vực đất nông lâm trường, đất vùng ven đô thị dự kiến phát triển đô thị sẽ chuyển đổi làm đất ở nhưng thực tế vẫn chưa được phê duyệt. Vì lẽ đó, rủi ro với các nhà đầu tư và người dân là rất lớn. Người dân, nhà đầu tư phải cảnh giác, không nên quá tin lời những người môi giới bất động sản để tránh thiệt hại không đáng có.

Một dẫn chứng mới đây, vào các ngày 25 và 26/3/2022, UBND TP. Pleiku tỉnh Gia Lai đã đấu giá thành công 104/104 lô đất thuộc Khu quy hoạch xây dựng khu dân cư phường Chi Lăng với tổng giá trị hơn 101 tỷ đồng, tỷ lệ tăng so với giá khởi điểm là 365%. Phiên đấu giá được ghi nhận có hơn 10.000 hồ sơ tham gia.

Trong đó, lô trúng cao nhất là 3,12 tỷ đồng (diện tích 209 m2, giá khởi điểm 301 triệu đồng). Lô trúng thấp nhất 760 triệu đồng (diện tích 132 m2, giá khởi điểm 169 triệu đồng).

Ngày 1/4, Sở Tài chính tỉnh này đã có báo cáo UBND tỉnh, nội dung khẳng định phiên đấu giá này có dấu hiệu bị thổi giá.

Cụ thể, các cá nhân tham gia buổi đấu giá hôm đó có nhiều người ở các tỉnh, thành khác về dự và trúng nhiều lô đất, mục đích đầu tư để kiếm lời, gây sốt ảo thị trường bất động sản.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo về việc thanh tra, kiểm tra các vụ việc thu gom đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái quy định; kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định, không để lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.

Thường sẽ có 3 yếu tố để tạo nên độ "hot" của một lô đất, đó là mục tiêu phát triển của địa phương, sự gia tăng của mật độ dân cư và tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch sử dụng đất của chính quyền.

Không để trở thành điểm nóng cục bộ tái diễn

Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, trong quý 4 và cả năm 2021, thị trường bất động sản tại Gia Lai gần như "đóng băng" do tác động của dịch Covid -19 kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Gia Lai: Chặn sốt đất cục bộ bằng biện pháp mạnh
Lô đất vùng ven thuộc huyện Ia Grai, Gia Lai, người dân tự san ủi rao bán. Ảnh: CTV

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đang gặp rủi ro trong kinh doanh, nhu cầu tín dụng bất động sản cũng giảm mạnh. Hơn nữa, thị trường bất động sản tại Gia Lai vẫn giữ nguyên trạng thái mất cân đối về cung - cầu bất động sản nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình...

Tại hội nghị sơ kết công tác tháng 3 và quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành thừa nhận: Thời gian qua công tác quản lý đất đai tại địa phương chưa chặt chẽ, giá đất ở một số vị trí đấu giá tăng đột biến, xảy ra tình trạng đầu cơ, thu gom phân lô bán nền cả đất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu các sở ngành nghiên cứu, đánh giá các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm mặt bằng giá đất, thị trường nhà ở, bất động sản, từ đó đề xuất các giải pháp ngăn chặn.

Cũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong quý II/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, đơn vị thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các vụ việc thu gom đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái quy định và và xử lý nghiêm theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là tại các khu vực đô thị; việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Được biết, Công an tỉnh Gia Lai cũng đã vào cuộc sau khi được giao nhiệm vụ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đấu giá quyền sử dụng đất; điều tra làm rõ các hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Đặc biệt đối với ngành Thuế, Cục Thuế tỉnh Gia Lai cũng đang phối hợp với chính quyền và các ngành liên quan quản lý chặt chẽ giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá trúng đấu giá đất, kiểm soát giá giao dịch bất động sản để xác định nghĩa vụ tài chính trong giao dịch bất động sản theo quy định của pháp luật./.

Các chuyên gia cảnh báo, trường hợp người dân, chủ đầu tư nếu mua những lô đất nông nghiệp ảo, bị thổi giá cao nhưng vướng phải vùng nằm trong quy hoạch sử dụng đất của chính quyền sẽ gánh thiệt hại rất lớn. Nếu chính quyền thu hồi đất để làm dự án, đất đó sẽ không được chuyển đổi từ nông nghiệp sang thổ cư. Chủ sở hữu sẽ nhận tiền bồi thường rất thấp, theo giá quy định của Nhà nước.