Nguồn: Bộ Tài chính  Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Con số giải ngân sau tháng 7 có một chút khởi sắc thì tháng 8 lại “thụt lùi” do sự đình trệ hoạt động ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch Covid-19. Điều này sẽ tạo gánh nặng không nhỏ cho những tháng cuối năm.

“Quá nửa” chưa phân bổ hết vốn

Đến cuối tháng 8/2021, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 của 50/50 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2021, có 34 bộ và 39 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thống kê từ các báo cáo cho thấy, tổng số vốn đã phân bổ là 473.046,5 tỷ đồng, đạt 102,55% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (461.300 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 62.650,972 tỷ đồng. Như vậy, nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) các địa phương giao tăng là 62.650,972 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 410.395,528 tỷ đồng, đạt 88,96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 172.400,773 tỷ đồng, đạt 83,69% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (206.000 tỷ đồng). Số vốn này bao gồm vốn trong nước là 126.307,381 tỷ đồng, đạt 81,78% kế hoạch; vốn nước ngoài là 46.093,392 đồng, đạt 89,41% kế hoạch. Vốn cân đối NSĐP là 300.645,727 tỷ đồng, đạt 117,76% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (255.300 tỷ đồng).

Hai lý do khiến giải ngân bị chậm

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, có hai nhóm lý do dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 còn chậm. Trước hết là do sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động đều bị dừng lại, không được thông suốt, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư khiến tiến độ các dự án chững lại. Lý do thứ hai là do việc thay đổi nhân sự, cơ cấu cán bộ ở các đơn vị phần nào khiến quy trình cũ – mới cần có thời gian để hoạt động “khớp nhau”. Trong nhóm lý do này, không thể phủ nhận vẫn đâu đó tồn tại những nhân tố sợ trách nhiệm, hoặc có người cho rằng mình không còn quyền lợi nữa nên trì trệ,…

Phải nói rằng, giải ngân vốn đầu tư chậm sẽ mang lại những hệ quả trên nhiều mặt, từ tài chính đến tăng trưởng kinh tế, kéo theo đó là việc làm, thu nhập,… Vậy nên, Chính phủ cần tiếp tục “tạo sức ép” hơn nữa để thúc đẩy việc giải ngân song song với nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 để hoạt động xã hội trở lại bình thường.

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 50.904,472 tỷ đồng, chiếm 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao với 45.447,864 tỷ đồng vốn trong nước và 5.456,608 tỷ đồng vốn ngoài nước. Cụ thể, số vốn các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 20.125,362 tỷ đồng, chiếm 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 16.938,62 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 3.186,742 tỷ đồng). Số vốn các địa phương chưa phân bổ là 30.779,11 tỷ đồng, chiếm 8,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 28.509,244 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.269,866 tỷ đồng).

Theo nhận định của Bộ Tài chính, hiện có 34 bộ và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn NSTW đã được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, một số đơn vị có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 70%) như: Bộ Thông tin và Truyền thông (94,77%); tỉnh Phú Thọ (84,3%), tỉnh Bình Dương (84,22%), Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (82,16%), Bộ Khoa học và Công nghệ (77,11%), Bộ Công thương (74,60%), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (74,47%), Bộ Y tế (74,30%),…

Nguyên nhân là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nói trên chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2021, do các dự án này chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2021 theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Bên cạnh đó, các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá thời gian so với quy định (nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm) cũng chưa phân bổ.

Đối với nguồn vốn cân đối NSĐP, có 44/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối NSĐP tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 15/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối NSĐP, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: An Giang (43,33%), Cần Thơ (40,55%),…

Ước giải ngân đạt 40,6% kế hoạch

Với tổng kế hoạch vốn năm 2021 là 595.850,12 tỷ đồng, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 31/7/2021 là 190.229,47 tỷ đồng, đạt 31,93% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/8/2021 là 220.725,54 tỷ đồng, đạt 37,04% kế hoạch.

Về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2021, lũy kế thanh toán 7 tháng là 29.829,88 tỷ đồng, đạt 41,49% kế hoạch; ước thanh toán từ đầu năm đến 31/8/2021 là 33.440,53 tỷ đồng, đạt 46,53% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là 29.679,65 tỷ đồng, đạt 45,36% kế hoạch; vốn nước ngoài là 3.760,87 tỷ đồng, đạt 58,18% kế hoạch.

Lũy kế thanh toán vốn kế hoạch năm 2021 từ đầu năm đến 31/7/2021 là 160.399,6 tỷ đồng, đạt 30,61% kế hoạch và đạt 34,77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước thanh toán 8 tháng đầu năm 2021 là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 35,74% kế hoạch; đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 41,59% kế hoạch và 46,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: vốn trong nước là 183.194,33 tỷ đồng (đạt 38,78% kế hoạch), vốn nước ngoài là 4.090,68 tỷ đồng (đạt 7,94% kế hoạch).

Có 10 bộ và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch, trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Thanh Hóa (72,1%), Thái Bình (67,5%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Nam Định (63,6%), Hưng Yên (61,6%), Lâm Đồng (55,6%),…

Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 33/50 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 21 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó, 4 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Cần phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy tiến độ giải ngân

Để thúc đẩy kết quả giải ngân vốn đầu tư công, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế - Học viện Tài chính cho biết, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành cùng quyết tâm thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp.

“Chúng ta phải thắt chặt kỷ luật xây dựng dự án đầu tư, phải thuyết minh và lập được dự án sơ bộ. Trong dự án sơ bộ phải được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra giám sát và cân đối nguồn lực của nền kinh tế với nhu cầu và khả năng của hoạt động đầu tư một cách tốt nhất” – ông Thịnh nói.

Với quy trình cấp vốn, theo chuyên gia, chúng ta đang trong cuộc cách mạng 4.0 nên cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết. Cũng cần nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng không thực chất, quân xanh, quân đỏ để “bắt tay nhau” trúng thầu dẫn đến lập dự toán khống hay đưa các khối lượng công việc không phù hợp vào trong dự án.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được đề cao bởi từ khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định... suốt thời gian dài bị buông lỏng. Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công. Cơ chế pháp lý cũng cần được rà soát, hoàn thiện để có thể khi thực thi không khó khăn, vướng mắc.

Cuối cùng theo ông Thịnh, Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách thuận lợi, như cho phép hộ chiếu vắc-xin để các chuyên gia nước ngoài liên quan đến thi công, giám sát kỹ thuật… của các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài được nhập cảnh, với các điều kiện phòng, chống dịch chặt chẽ kèm theo.

Hồng Vân