Ủy ban Kinh tế: Các chính sách hỗ trợ cần được lượng hóa cụ thể Trình Quốc hội gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế khoảng 347 nghìn tỷ đồng Chương trình phục hồi kinh tế không phải gói đầu tư công mở rộng

Sau phiên khai mạc buổi sáng, chiều 4/1, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu lo PPP bị "bỏ rơi"

Đánh giá chung, nhiều đại biểu cho rằng các giải pháp, nội dung được Chính phủ nêu trong tờ trình là tương đối hợp lý, đúng trọng tâm, phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình trong nước cũng như thế giới.

Đánh giá cao sự sát sao, kỹ lưỡng của Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng trong thời gian ngắn, Chính phủ đã đánh giá kỹ lưỡng tình hình để có đề xuất tương đối phù hợp cho các chính sách hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay. Theo đại biểu, đây không hẳn chỉ là hỗ trợ mà là những nội dung quyết định cho Chương trình phục hồi sắp tới.

Cùng đồng tình cao với những giải pháp Chính phủ trình, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nếu tổ chức thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo ra xung lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện được mục tiêu của năm 2022 cũng như của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cần cân nhắc thận trọng khi thiết kế và triển khai các giải pháp. 5 vấn đề đại biểu Trần Văn Lâm quan ngại trong triển khai gói hỗ trợ là: Đảm bảo các chỉ tiêu cân đối vĩ mô như nợ công, nợ Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ, lạm phát…; nợ xấu đang hiện hữu, nếu không cẩn thận có thể lại trở thành cục máu đông của nền kinh tế; nguy cơ kích hoạt hiện tượng đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản…; việc kiểm soát lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong triển khai các dự án; và việc hình thức đầu tư PPP “bị bỏ rơi”.

Theo đại biểu, nhiều dự án cao tốc trước đây dự kiến thực hiện theo hình thức PPP nay đã chuyển hết về đầu tư công, như vậy mục tiêu dùng đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân vào hạ tầng đã không còn dư địa. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, tránh việc bỏ rơi một chủ trương rất đúng đắn là PPP, nhất là khi Luật PPP vừa có hiệu lực mới chỉ một năm.

Cân đối chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Còn vấn đề đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) băn khoăn là sự cân đối, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong khi gói chính sách tài khóa có giải pháp và quy mô cụ thể 291 nghìn tỷ đồng thì quy mô gói chính sách tiền tệ chưa rõ ràng, chưa như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị chính sách tiền tệ cần được cụ thể, đậm nét hơn.

Đối với phần cho đầu tư công, đại biểu nhận định quy mô dành cho hạ tầng giao thông chiếm phần lớn, trong đó có nhiều dự án mới và nguồn lực cũng chưa được bố trí đủ… Đại biểu đề nghị rà soát kỹ tính hiệu quả của nhiều dự án trong danh mục này, đồng thời cân nhắc kỹ các chính sách đặc thù cho đầu tư công như là giao địa phương thực hiện, khai thác mỏ…

Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp tổ

Phát biểu làm rõ một số vấn đề về tài chính ngân sách cũng như các giải pháp hỗ trợ tại cuộc họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ năm 2021 là năm vô cùng khó khăn chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đến nay tăng trưởng kinh tế đã đạt khoảng 2,58%.

Thu ngân sách vượt dự toán

Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành Tài chính, thu ngân sách đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán. Trong đó thu thuế và phí nội địa (chưa tính tiền sử dụng đất, xổ số) tăng 14,5% so với dự toán, tăng hơn 11,4% so với năm 2020. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668 tỷ USD, thu thuế từ xuất nhập khẩu đạt 378 nghìn tỷ đồng, vượt 20,5% so với dự toán Quốc hội giao và vượt 20,3% so với năm 2020. Đây là một nỗ lực lớn trong điều hành phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, quy mô vốn hóa thị trường năm 2021 đạt 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với năm 2020 và đạt 123,5% GDP theo cách tính cũ và 92,5% GDP theo cách tính mới. Giá trị giao dịch tăng đột phá, tới 2,6 lần so với năm 2020, bình quân một phiên đạt 26,6 nghìn tỷ đồng. Có những phiên giao dịch đạt 2 tỷ USD/phiên. Đây là những kết quả tích cực về kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, thu ngân sách trên thị trường chứng khoán năm 2021 đạt tới 11 nghìn tỷ đồng, trên sàn thương mại điện tử đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có mức tăng tốt, đạt 155,588 nghìn tỷ đồng, gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết Bộ Tài chính đang liên tục tăng cường cảnh báo, giám sát để làm lành mạnh hóa thị trường này. Cùng với đó, Bộ đã đề xuất với Chính phủ để sửa đổi Nghị định 163 để khắc phục những hạn chế, bất cập theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu tham gia, tránh hiện tượng nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. “Vì có nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Thời gian tới, để vực dậy nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, kích cầu cho nền kinh tế. Do đó, Chính phủ đã trình Quốc hội gói chính sách tài khóa 291 nghìn tỷ đồng. Trong đó có việc giảm thuế tới 64 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm trước; chi hỗ trợ người lao động thuê nhà 6,6 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng; bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, cho học sinh sinh viên vay, phát triển miền núi… Để có nguồn lực thực hiện các chính sách này, Bộ trưởng cho biết đã báo cáo cấp có thẩm quyền về giải pháp huy động sao cho linh hoạt, bền vững và ít chi phí nhất để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Để chính sách kích cầu phát huy hiệu quả kịp thời, cũng như giải quyết các nút thắt để phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc cần thiết giảm bớt khâu trung gian, các thủ tục đầu tư…

Trong đó, Bộ trưởng phân tích, một số giải pháp thực tế đã được triển khai hiệu quả trước đây trong một số thời điểm như chính sách chỉ định thầu, tách riêng giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án, hay giao từng phần cho địa phương triển khai. Theo Bộ trưởng đây là những giải pháp có thể vận dụng hợp lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, từ đó mang lại hiệu quả kịp thời như kỳ vọng.