Sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi và mở rộng

Sáng ngày 3/3, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2/2023. Tại phiên họp, các báo cáo, ý kiến thống nhất đánh giá, trong tháng 2, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất đang có xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 2 tăng 6,1% so với tháng 1 và tăng 1,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu 2 tháng 49,4 tỷ USD, 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD. Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 1 lên 51,2 điểm trong tháng 2, thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1 và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi nhanh, có trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ.

Giảm lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả nguồn vốn, góp phần vượt qua khó khăn.
Giảm lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả nguồn vốn, góp phần vượt qua khó khăn.

Đầu tư được thúc đẩy. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 4,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 10% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Cơ bản nhất trí với các đánh giá được nêu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng phân tích thêm về những khó khăn, thách thức.

Cụ thể như, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động lớn đến nước ta. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 2 tháng giảm 6,3%. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. FDI thực hiện 2 tháng đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Du lịch sôi động trở lại nhưng chưa được như trước đại dịch. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, cần được tháo gỡ nhanh. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để...

Phân tích một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng, phản ứng chính sách có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức; sự phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan chưa thực sự hiệu quả, chưa đi tới tận cùng, giải quyết triệt để vấn đề.

Sớm hoàn thiện nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Trong thời gian tới, dự báo tình hình khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý; tinh thần là đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể…

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung xử lý triệt để, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; trong đó có việc hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định; nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát; thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất.

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi, triển khai thu thuế với dịch vụ ăn uống và các cửa hàng bán lẻ. Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; phối hợp với các cơ quan để trình phương án sử dụng nguồn tăng thu hiệu quả, đúng pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn chương trình phục hồi và phát triển; phối hợp với NHNN nghiên cứu điều chuyển ngân sách của gói hỗ trợ lãi suất 2% cho phù hợp; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; chủ trì sửa đổi Nghị định 27/2022/NĐ-CP về quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh…

Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục…

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý các địa phương tập trung thực hiện tốt 5 công tác: quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường...

Chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng môi trường kinh doanh thời gian qua đã có chuyển biến tích cực; thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng quốc tế tiếp tục được cải thiện, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực rà soát, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, thành lập và triển khai các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu một số khó khăn, tồn tại, như nhiều chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh chưa bền vững, chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. Một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Năng lực đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ vị trí thứ 70 xuống 72).

Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều thể hiện sự khó khăn, không đặt nhiều triển vọng về mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2023.

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị việc ban hành, thực hiện các chính sách cần bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, có khả năng dự báo, tránh thực hiện giật cục để hạn chế tối đa khó khăn, thách thức phát sinh đối với doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng đến các kết quả cải cách đã đạt được trong thời gian qua.