Quản lý giá xăng dầu phân tán gây khó trong điều hành

Trước đó, ngày 6/1/2023, Bộ Tài chính nhận được công văn của Bộ Công thương đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, rà soát và đề nghị phương án thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giá xăng dầu.

Giao thống nhất điều hành giá xăng dầu về Bộ Công thương là phù hợp
Giao thống nhất điều hành giá về Bộ Công thương là phù hợp. Ảnh: TL

Theo đó, quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí (bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu). Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

“Việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân. Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành giá”- văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy phương án 2 (giao toàn bộ việc điều hành giá về 1 đầu mối và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì) là không phù hợp. Liên quan đến vấn đề này, tại khoản 3 Điều 8 Luật Giá đã có quy định “3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định”; tại dự thảo Bộ Công thương cũng đánh giá việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu sẽ có những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường xăng dầu không được hài hòa. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan chủ trì phải soạn thảo nghị định theo đúng quy định của Luật

Đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã có các công văn số 1686/BTC-QLG ngày 26/12/2022 về đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, công văn số 12280/BTC-QLG ngày 1/11/2022 về dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận số 326/TB-VPCP đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu để xây dựng dự thảo Nghị định gửi Bộ Công thương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Giao thống nhất điều hành giá xăng dầu về Bộ Công thương là phù hợp
Ảnh: Minh họa

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Đối với các nội dung tại dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ Công thương, liên quan đến phương án điều hành giá cơ sở và quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét, lựa chọn phương án và viết nội dung sửa đổi Nghị định để gửi Bộ Công thương tổng hợp như đã phân công trong Ban soạn thảo.

Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính xây dựng nội dung quy định về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, trong đó có hướng dẫn cụ thể phương pháp tính giá cơ sở cụ thể theo từng loại xăng dầu; các loại chi phí về thuế, chi phí vận chuyển, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở...

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng tại Điều 90 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nội dung, chất lượng và tiến độ soạn thảo nghị định. Các nhiệm vụ của Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định cũng đã được quy định cụ thể trong Luật.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương không phân công Bộ Tài chính viết các nội dung của Nghị định dự thảo như trên. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương - cơ quan chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP tổ chức xây dựng dự thảo và chịu trách nhiệm cuối cùng về nội dung, chất lượng dự thảo Nghị định./.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì soạn thảo

Điều 90 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nội dung, chất lượng và tiến độ soạn thảo nghị định. Các nhiệm vụ của Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định cũng đã được quy định cụ thể trong Luật.