Giới doanh nghiệp Hy Lạp hoang mang về tương lai

Tâm lý bất an đang bao trùm giới doanh nghiệp Hy Lạp. Ảnh AP via Foxnews

Kể từ đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có 59 doanh nghiệp Hy Lạp phải đóng cửa, 613 người mất việc và gây tổn thất GDP 22 triệu euro mỗi ngày, theo các nghiên cứu gần đây. Nguyên do là niềm tin doanh nghiệp sụt giảm, khan hiếm tín dụng và lo lắng gia tăng về khả năng đàm phám với các chủ nợ.

Nikos Vasiliou, chủ của Bright Special Lighting, đã phải mời các khách hàng của công ty ông bay đến Hy Lạp để tận mắt nhìn thấy công ty của ông vẫn còn tồn tại và hoạt động.

Năm tháng vừa qua đã “giết chết” nhiều doanh nghiệp ở Hy Lạp, Vasiliou cho biết. Tất cả mọi người đều lo ngại khi ký kết hợp đồng với các công ty Hy Lạp, vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra.

Nếu những đàm phán phút chót thất bại, Hy Lạp sẽ không thể trả khoản nợ đáo hạn vào ngày 30/6 tới, sẽ rơi vào tình cảnh vỡ nợ và có thể phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu.

“Tâm lý bất an đang bao trùm. Chúng tôi đã mất niềm tin vào nhau và chính các công ty Hy Lạp cũng đã ngừng tin tưởng lẫn nhau”, Vassilis Korkidis, chủ tịch của một hiệp hội doanh nghiệp cho biết. “Kinh doanh là dựa trên niềm tin mà không có niềm tin vào chính phủ vào thời điểm hiện tại”.

Nguyên nhân chính của sự sụp đổ kinh doanh ở Hy Lạp chính là gần 6 năm áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng và 6 tháng dòng vốn chảy ra ngoài, kể từ cuộc bẩu cử của chính phủ Syriza đã làm cho tín dụng khan hiếm.

Hơn 90% trong tổng số 750.000 doanh nghiệp ở Hy Lạp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp này không có chuẩn bị về tài chính cho các cú sốc về vốn và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu như Hy Lạp rời khỏi eurozone.

Chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp Hy Lạp đã mở tài khoản ở các quốc gia khác trong khu vực eurozone và cố gắng chuyển nhiều nhất có thể số vốn của họ ra khỏi Hy Lạp.

Chính điều này lại làm các nguồn tài trợ trong nước ngày càng khô hạn.

Theo Constatine Michalos, Chủ tịch Liên minh trung ương Phòng thương mại Hy Lạp, các “đệm đỡ” trong quá khứ đã gần như “kiệt sức”. Môi trường kinh doanh đang trong tình trạng trì trệ hoàn toàn, Constatine cho biết.

Constatine ước tính rằng trong số 1 triệu doanh nghiệp Hy Lạp tồn tại năm 2010, khoảng 250.000 đã tuyên bố phá sản cho nhu cầu sụt giảm hoặc thiếu vốn. “Nếu bạn là một doanh nghiệp nhỏ và thậm chí là bạn đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay vốn, mức lãi suất bạn phải trả là 11-12,5%. Mức lãi suất này quá cao”.

Một điều nữa làm cho tình hình tài chính trở nên tồi tệ chính là sự phụ thuộc quá nhiều vào hàng hóa nhập khẩu. Hy Lạp nhập siêu 20 tỷ USD trong năm ngoái.

Với tình hình khó khăn hiện tại của Hy Lạp, các nhà cung cấp nước ngoài thường yêu cầu tạm ứng trước tiền mặt và đây là một yêu cầu rất khó khăn đối với khả năng đáp ứng các công ty Hy Lạp hiện tại. Nếu khả năng Hy Lạp rời khỏi eurozone xảy ra, đồng tiền mới sẽ mất giá mạnh so với đồng euro và điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều.

Vasilion cho rằng sự ra đi của Hy Lạp sẽ là một thảm họa đối với các doanh nghiệp, vì phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu từ Châu Âu. Giá nhập khẩu có thể tăng gấp 3-4 lần.

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, Dimitris Paraskevas, điều hành một công ty luật gia đình ở Athens cho biết. Tuy nhiên, mất khả năng thanh toán có thể xảy ra nếu các khoản nợ là bằng đồng euro và doanh thu bằng đồng drachma.

Nhưng ngay cả khi thỏa thuận với các chủ nợ đạt kết quả và Hy Lạp có thể tránh được tình trạng thảm họa vỡ nợ, các chuyên gia lo ngại rằng chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ xói mòn mọi cơ hội phục hồi./.

Mai Linh (Theo Financial Times)