Hà Nội cải cách thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính

Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, thời gian qua, việc tổ chức triển khai rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đạt hiệu quả cao; hoạt động tham mưu công bố và công khai TTHC được thực hiện nghiêm, đúng quy định, bảo đảm việc tiếp cận, thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân được đơn giản, thuận lợi.

Từ năm 2021 đến quý I/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành 71 quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó ban hành danh mục 1.661 TTHC, thay thế 204 TTHC, bãi bỏ 1.584 TTHC. Tính đến ngày 24/5/2023, thành phố đã ban hành 14 quyết định, công bố 87 TTHC nội bộ các lĩnh vực: Kiểm soát thủ tục hành chính và Văn phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Quy hoạch và Kiến trúc, Y tế…

Ngày 9/2/2023, UBND TP. Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự Đảng UBND thành phố, UBND thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cơ bản chặt chẽ, nề nếp, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Việc tiếp nhận giải quyết TTHC được các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và nhiều hồ sơ TTHC được trả trước hạn. Tính từ năm 2021 đến quý I/2023, Hà Nội đã tiếp nhận hơn 8 triệu hồ sơ; đã giải quyết trước hạn, đúng hạn hơn 7,9 triệu hồ sơ, đạt 99,8%.

Đồng thời, Hà Nội đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Đến hết năm 2022, thành phố đã cơ bản hoàn thành các nội dung nhiệm vụ trong Đề án 06 và đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06.

Đáng chú ý, thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết TTHC theo các ngành, lĩnh vực, đảm bảo thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo hướng: “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”. Đến nay, thành phố đã ban hành quyết định ủy quyền 531/617 TTHC đạt tỷ lệ 86,06%; đã ban hành quy trình nội bộ: 485/617 TTHC, đạt tỷ lệ 78,6%.

Riêng việc đưa vào vận hành chính thức Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung, thành phố đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị; cấp trên 40.400 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc...

Hà Nội cải cách thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp
Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ khảo sát thực tế tại Bộ phận Một cửa của UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: H.Kiên.

Đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính

Mới đây, doàn công tác của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về công tác kiểm soát thủ tục hành chính và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Văn Sơn nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022 Hà Nội đã có kết quả tăng trưởng tích cực; chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 tăng 7 bậc, từ thứ 10 lên đứng thứ 3/63 địa phương; tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) quý I/2023 tăng 5,80%... Hà Nội đã rất nỗ lực trong hiện đại hóa phương thức cải cách TTHC, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành.

Việc triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên đã góp phần cắt giảm các quy định TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố.

Thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mong muốn UBND TP. Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách quy định TTHC; triển khai đổi mới trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, trong đó quan tâm, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC… để phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận lợi nhất; tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện TTHC; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.

Hà Nội cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, ký số văn bản điện tử và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ.

Không để tình trạng nhiều tầng nấc và gây nhũng nhiễu, tiêu cực

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác và khẳng định Hà Nội sẽ nỗ lực hết sức, nhanh nhất trong công tác cải cách hành chính để thực sự hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch thành phố đề nghị các đơn vị quán triệt thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trong công tác kiểm soát TTHC, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm TTHC, đặc biệt việc thực hiện ủy quyền giải quyết TTHC theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”, các nội dung nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.