![]() |
Nguồn: Sở Tài chính Hà Nội. Đồ họa Phương Anh |
![]() |
PV: Ông nhận xét gì về kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của TP. Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2025?
Ông Lê Trung Hiếu: Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2025 là một tín hiệu rất tích cực, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững trong môi trường đầu tư của Thủ đô. Tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 3,68 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024, đưa Hà Nội trở thành địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 18% tổng vốn FDI của cả nước trong giai đoạn này.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 45% tổng vốn FDICác ngành đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trên địa bàn Hà Nội bao gồm: công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao (điện tử, thiết bị y tế), bất động sản công nghiệp và đô thị xanh, logistics thông minh và đặc biệt là dịch vụ công nghệ thông tin và trung tâm dữ liệu. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 45% tổng vốn FDI, ngành kinh doanh bất động sản chiếm 30% và ngành dịch vụ chiếm 25%. |
Điều đáng chú ý là phần lớn vốn FDI đến từ các dự án tăng vốn. Cụ thể có 89 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn bổ sung hơn 3,1 tỷ USD. Con số này chiếm gần 85% tổng vốn FDI đăng ký mới của Hà Nội. Điều này cho thấy nhà đầu tư hiện hữu có niềm tin lớn vào triển vọng dài hạn của Hà Nội, đồng thời đánh giá cao các chính sách mới đang được triển khai, đặc biệt là sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm nay.
PV: Đâu là khó khăn, thách thức lớn nhất của Hà Nội trong việc cạnh tranh thu hút FDI hiện nay, thưa ông?
Ông Lê Trung Hiếu: Bên cạnh những kết quả tích cực, Hà Nội cũng đang đối mặt với một số thách thức trong việc cạnh tranh thu hút FDI.
Trước hết là vấn đề quỹ đất, hiện tại, quỹ đất sạch dành cho công nghiệp và công nghệ cao đang dần cạn kiệt, với chỉ khoảng 200 ha đất sẵn sàng cho các dự án lớn. Một số xã vệ tinh chưa hoàn tất quy hoạch chi tiết, gây khó khăn cho nhà đầu tư có nhu cầu triển khai nhanh.
Vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn là “nút thắt” lớn, khiến nhiều dự án chiến lược bị chậm tiến độ, trung bình kéo dài thêm 6-12 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Chi phí nhân công tại Hà Nội đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, tăng khoảng 8-10% mỗi năm, khiến một số nhà đầu tư dịch chuyển sang các tỉnh lân cận có chi phí thấp hơn (ví dụ: Bắc Ninh, Phú Thọ).
Các thủ tục liên quan đến môi trường, phòng cháy chữa cháy đang được siết chặt hơn - điều này là cần thiết, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí tuân thủ (tăng thêm khoảng 5-10% chi phí đầu tư ban đầu) và thời gian chuẩn bị hồ sơ.
PV: Cùng với cả nước, Hà Nội hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Thành phố đã và đang triển khai chính sách ưu đãi gì để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu này, thưa ông?
Ông Lê Trung Hiếu: Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã triển khai một loạt chính sách mới nhằm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trước hết là việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024, cho phép Hà Nội chủ động ban hành các cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội, đặc biệt đối với các lĩnh vực công nghệ cao, R&D, y tế - giáo dục chất lượng cao, kinh tế xanh, và các ngành có giá trị gia tăng cao. Ví dụ, Luật cho phép thành phố áp dụng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn 50% so với quy định chung cho các dự án công nghệ cao chiến lược.
Đầu tháng 7/2025, HĐND TP.Hà Nội cũng đã ban hành chính sách về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trong đó đưa ra các tiêu chí cụ thể về năng lực tài chính, ví dụ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, cam kết chuyển giao công nghệ và tiến độ triển khai, hoàn thành dự án trong vòng 36 tháng, từ đó tránh tình trạng đầu tư “ảo” hoặc kém hiệu quả.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế “một cửa điện tử” bằng nhiều ngôn ngữ (Anh - Trung - Nhật), rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ trung bình 15 ngày xuống còn 5 - 7 ngày đối với dự án thông thường và 3 ngày đối với dự án chiến lược.
PV: Chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược được xem là một trong những chính sách "xây tổ đón đại bàng" trong thời gian tới. Ông có thể cho biết thêm về chính sách này?
Ông Lê Trung Hiếu: Chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược của Hà Nội được thiết kế với nhiều điểm đột phá.
Về tiêu chí lựa chọn, nhà đầu tư cần có dự án từ 10 triệu USD trở lên, hoặc hoạt động trong 6 ngành mũi nhọn như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đô thị xanh, y tế chất lượng cao, trung tâm R&D và giáo dục cao cấp. Trong đó, các dự án công nghệ cao và R&D được ưu tiên đặc biệt.
Về ưu đãi, chính sách cho phép miễn tiền thuê đất 10 năm đối với các dự án công nghệ cao và R&D, hỗ trợ đến 50% chi phí R&D (tối đa 2 tỷ đồng/năm) và xử lý thủ tục hoàn thuế trong vòng 3 ngày làm việc. Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 cho phép thành phố chủ động “thiết kế ưu đãi đặc thù” với từng dự án chiến lược, có thể vượt khung quy định hiện hành của Chính phủ.
Chính sách cũng có cơ chế ràng buộc mạnh như ký quỹ tiến độ (khoảng 5-10% tổng vốn đầu tư), thu hồi dự án nếu sau 24 tháng không triển khai hoặc không đạt các mốc tiến độ quan trọng, và công khai báo cáo tiến độ định kỳ trên cổng thông tin điện tử của thành phố.
Mục tiêu cuối cùng là sàng lọc được các nhà đầu tư thực sự có năng lực, tránh tình trạng “đầu tư giấy” hay dự án kéo dài gây lãng phí tài nguyên và tạo điều kiện thu hút ít nhất 5 dự án chiến lược mỗi năm, với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD/năm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Nội duy trì và nâng tầm vị thế trung tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoàiTheo lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội, muốn duy trì và nâng tầm vị thế trung tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hà Nội cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính. Tạo quỹ đất sạch mới, đảm bảo tối thiểu 1.000 ha đất sạch cho các ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ chiến lược trước năm 2027, tập trung vào các khu công nghệ cao như Hòa Lạc và các khu công nghiệp vệ tinh đã được quy hoạch. Đẩy mạnh chuyển đổi số hành chính, số hóa 100% quy trình cấp phép đầu tư - hướng tới cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoàn toàn trực tuyến trong tối đa 5 ngày làm việc và ứng dụng AI để hỗ trợ nhà đầu tư tra cứu thông tin pháp lý. Bảo đảm ổn định năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới 30% nhu cầu điện của các khu công nghệ được cấp từ nguồn sạch đến năm 2030, đồng thời đảm bảo cung cấp điện ổn định, không cắt giảm đột ngột. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng FDI như thông qua các quỹ đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chứng nhận quốc tế cho ít nhất 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ mỗi năm, giúp họ đủ năng lực cung ứng cho các tập đoàn FDI lớn… |