Hà Nội: Chuyển đổi số, cải cách hành chính với tinh thần quyết liệt
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị

Ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết

TP. Hà Nội xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp của thành phố, chất lượng phục vụ tổ chức và người dân.

Theo đó, phân cấp ủy quyền được thành phố đặc biệt chú trọng. Sau một năm thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền, các quận huyện, thị xã đã được tăng tính chủ động. Đến nay, 708/1.895 thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố đã có phương án ủy quyền giải quyết, đạt tỷ lệ gần 40%. Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết 578 TTHC, đạt tỷ lệ 94%; 100% các TTHC được ban hành quy trình nội bộ TTHC giải quyết sau ủy quyền.

Nhờ phân cấp ủy quyền, đã giảm tầng nấc trung gian, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết và cùng với thực hiện dịch vụ công trực tuyến thì người dân đã không phải đi lại hoặc giảm thời gian đi lại tiết kiệm thời gian, chi phí…

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, mục đích cao nhất là người hưởng an sinh xã hội không chỉ nhận tiền thuận lợi nhất, mà còn phải thuận tiện trong chi tiêu.

Từ đó, ông Trần Sỹ Thanh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan có giải pháp linh hoạt, hỗ trợ bằng công nghệ, không để sai sót. Từ đó, lưu ý các đơn vị tùy theo địa bàn, tuổi tác của từng người, nhu cầu các nhân… để phục vụ yêu cầu chính đáng của người dân.

Bên cạnh đó, sau 2 năm thực hiện, Hà Nội đang từng bước xây dựng được một cơ sở dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", nhằm tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số trong xã hội. Cụ thể, hơn 7 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân; hơn 5,9 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử được thu nhận, đạt 100%. Trong đó, kích hoạt hơn 5,1 triệu tài khoản định danh mức 1 và mức 2, đạt hơn 85%.

Đặc biệt, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết 07/2023 NQ- HĐND quy định về mức phí, lệ phí bằng không khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đến hết ngày 31/12/2025. Điều này giúp tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Nhằm giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn trong giải quyết TTHC, thành phố thực hiện Cao điểm 60 ngày đêm rà soát, xử lý 6 điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thành phố đã cơ bản đáp ứng yêu cầu; hoàn thành chuẩn hóa quy trình điện tử của 1893/1893 thủ tục hành chính; hoàn thành khai báo, kiểm thử và tiếp nhận hồ sơ thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 950/1.191 dịch vụ công, tăng hơn 60% so với ban đầu.

Kết thúc năm 2023, Ban chỉ đạo triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) của thành phố đã để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt…

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là tổ công tác Đề án 06 ở cơ sở, tính đến 15/1/2024, tỷ lệ người dân được hưởng trợ cấp xã hội đã hoàn thành hồ sơ cấp tài khoản khoản an sinh đạt 255.000 trường hợp, đạt 88%, so với trước đợt cao điểm 10,1%, dự kiến hết ngày 16/01/2024 đạt 100%, trừ một số trường hợp bất khả kháng.

Hà Nội: Chuyển đổi số, cải cách hành chính với tinh thần quyết liệt
Công an xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) tích hợp thông tin vào căn cước công dân cho người dân. Ảnh: Mai Hữu

Không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã thông tin về những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thúc đẩy Đề án 06 của Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2024.

Thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 của cơ quan, địa phương mình trong năm 2024. Bên cạnh đó, ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024; tập trung đồng bộ các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện 28 mô hình điểm theo lộ trình đã được đặt ra...

Đề ra lộ trình để hoàn thành 9 nhóm đơn giản hóa thủ tục hành chính và Đề án 06 đã đề ra trong giai đoạn 2022-2025; tập trung khai thác, sử dụng thông tin dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường truy thu thuế cho nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, bảo hiểm..

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị, các đơn vị thường xuyên báo cáo để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nhằm tăng cường liên thông các ngành. Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, nơi nào có người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, tạo được sự đồng thuận, truyền được cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, lan tỏa đến người dân thì nơi đó, việc chuyển đổi số mới tạo hiệu quả cao.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định những kết quả trên kết quả của năm 2023 là do toàn thành phố đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức của các lãnh đạo và người dân đến từng cấp xã, phường, tổ dân phố.

Chỉ số chuyển đổi số năm 2023 của TP. Hà Nội tăng 16 bậc. Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT năm 2022 được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp, trong đó, tổng doanh thu đạt khoảng 13.161 triệu USD.