Haiti vươn lên từ đổ nát, khó khăn vẫn chất chồng

Khu chợ Iron Market được xây dựng lại hiện tại (trái) và hình ảnh đổ nát sau động đất (phải). Ảnh: Getty via Financial Times.

Thoạt nhìn, khu vực Iron Market (Chợ Sắt) ở Thủ đô Port-au-Prince dường như là biểu tượng cho quá trình “tái sinh” của Haiti, với sức sống mới và những khoản đầu tư quay trở lại với đất nước bị tàn phá bởi thảm họa động đất năm 2010, đã cướp đi sinh mạng của 230.000 người.

Tuy nhiên, việc xây dựng lại bốn khu chợ tại trung tâm của Thủ đô lại cho thấy “sự yếu đuối” và phụ thuộc vào nước ngoài của quốc gia này. Khu chợ này, trước khi trận động đất xảy ra đã rơi vào tình trạng rất xập xệ, được xây dựng lại nhờ vào khoản viện trợ 18 triệu USD từ một doanh nhân viễn thông Ireland, Denis O’Brien, sau khi bị động đất phá hủy hoàn toàn, và được mở cửa trở lại vào năm 2011.

Bên cạnh những sự phục hồi, Haiti vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Báo cáo của World Bank vào tháng 4 cho thấy 1/4 dân số 10 triệu người của Haiti sống ở mức ít hơn 1,23 USD/ngày.

Vấn đề đặt ra đối với người dân Haiti khi cuộc bầu cử chuẩn bị diễn ra trong mùa hè này không phải là khả năng Haiti khắc phục những thiệt hại vật chất mà thảm họa động đất gây ra. Vấn đề chính là người dân muốn biết Haiti có thể thoái khỏi vòng xoáy nghèo đói và phụ thuộc – những yếu tố đã làm gia tăng thêm hậu quả của thảm họa động đất do quản lý yếu kém và những thay đổi bất ngờ từ sự can thiệp từ phía nước ngoài.

Đồng thời, hỗ trợ từ phía nước ngoài dành cho Haiti cũng sụt giảm, trong khi đó cạnh tranh về thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, đặc biệt là đối với quốc gia láng giềng Cuba sau khi Cuba tái thiết lập quan hệ với Mỹ.

Tụt hậu

Haiti hiện đang tụt hậu rất xa, đặc biệt là so với quốc gia láng giềng, Cộng Hòa Dominica. Mặc dù cả 2 quốc gia này đều thừa hưởng “di sản” của chế độ nô lệ, chế độ độc tài và sự bất ổn đinh, Dominaca đã phát triển thịnh vượng hơn rất nhiều trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Vào năm 1960, mức thu nhập bình quân đầu người của Haiti và Dominica là ngang bằng nhau, tuy nhiên khoảng cách ngày càng nới rộng khi mà thu nhập đầu người của Dominica tăng gấp 3 lần, còn thu nhập đầu của Haiti giảm đi một nửa.

Giáo sư Jared Diamond, từ Trường Đại Học California, Los Angeles trong cuốn sách Collapse (Sụp Đổ) của ông cho rằng sự khác biệt này là do vấn đề địa lý. Mật độ dân số của Haiti đông hơn, cùng với lượng mưa thấp, đất đai ít màu mỡ hơn đã dẫn đến việc chặt phá rừng bừa bãi và giảm năng suất sản lượng nông nghiệp.

Một yếu tố nữa đó chính là lịch sử. Trong giai đoạn Cộng Hòa Dominica là thuộc địa của Tây Ban Nha và tiếp tục thu hút đầu tư và nhập cư, Haiti lại bị cô lập sau cuộc chiến giành độc lập khỏi Pháp và trở nên kiệt quệ vì sức ép từ các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là yêu cầu trả nợ của Pháp.

Haiti phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tiền từ nước ngoài. Mỗi năm, Haiti nhận được khoảng 2 tỷ USD kiều hối, tương đương 1/5 thu nhập quốc dân. Nguồn hỗ trợ tài chính từ nước ngoài cũng chiếm một tỷ lệ tương đương với kiều hối, làm lu mờ các nguồn lực nội tại và xói mòn hệ thống quản trị, các chuyên gia cho biết.

Kể từ sau động đất, hàng tỷ USD được cam kết hỗ trợ cho Haiti. Tuy nhiên, người dân vẫn thất vọng vì nhiều dự án cao cấp triển khai chậm chạp và “dành cho” nhà đầu tư nước ngoài và tầng lớp thượng lưu hơn là số đông người dân đói nghèo.

Tuy nhiên, những người lạc quan vẫn nhìn thấy những tiến triển rõ rệt tại Haiti kể từ năm 2010, nhất là trong cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Michael Shifter, Giám đốc Công ty nghiên cứu Mỹ Inter-American Dialogue cho rằng, càng nhiều hỗ trợ tài chính nước ngoài được rót vào thì Haiti càng có ít cơ hội, trừ khi Chính phủ có đủ khả năng thực hiện những chức năng cơ bản.

Thiếu nhà tài trợ

Haiti vẫn phải đối mặt với những trở ngại đối với tăng trưởng trong tương lai. Một trong những thách thức là nhận diện được nguồn thu nhập mới. Cơ sở tính thuế vẫn ở mức thấp, nguồn hỗ trợ từ cộng đồng người ở nước ngoài đang đình trệ và nguồn tiền từ các nhà tài trợ đang dần cạn kiệt. Cộng đồng quốc tế đang dồn sự chú ý sang các cuộc khủng hoảng khác như Ebola và do đó, Haiti không còn được ưu tiên việc nhận viện trợ, một chuyên gia cho biết.

Viện trợ hằng năm mà Haiti nhận được ước khoảng 1 tỷ USD trước khi trận động đất xảy ra, và đã tăng lên gấp 3 lần sau đó, tuy nhiên, hiện tại đang trên đà suy giảm.

Vấn đề mà Haiti cần phải đối mặt là làm thế nào để chuyển từ một nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ sang một nền kinh tế bền vững quản lý và điều hành bởi chính người dân Haiti.

Cơ hội bỏ lỡ

Cơ hội lớn nhất đối với Haiti chính là chương trình trợ cấp dầu mỏ PetroCaribe mà Venezuela cung cấp kể từ năm 2008, đã giúp cho ngân sách nhà nước tăng thêm 400 triệu USD mỗi năm. Mặc dù vào năm 2010, khi đất nước bị oanh tạc bởi động đất, nhiều khoản nợ được xóa bỏ, nhưng giá dầu giảm mạnh trong gần một năm trở lại đây, đẩy Venezuela vào khó khăn, rất nhiều người cho rằng chương trình viện trợ này đang bị đe dọa.

Gregory Brandt, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế tư nhân đại diện cho nhiều công ty hàng đầu cho biết, Haiti đang đi giật lùi so với các quốc gia khác mặc dù hình ảnh Haiti đã cải thiện rất nhiều trong 5 năm qua và cơ hội cũng đã từng hiện hữu đối với quốc gia này.

Đầu tư nước ngoài vào Haiti chỉ khoảng dưới 200 triệu USD/năm, một con số rất khiêm tốn và không cân bằng, bị cản trở bởi hệ thống quan liêu nặng nề, quyền sở hữu đất đai không rõ rằng và chất lượng cơ sở hạ tầng tồi tàn.

Việc làm ở Haiti chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với mức lương bèo bọt. Một phần không nhỏ của nền kinh tế nằm trong tay của khoảng hơn 10 gia đình giàu có. Có rất ít ngân hàng nước ngoài tại quốc gia này trong khi các điều khoản cho vay của các ngân hàng trong nước cao ngất ngưởng.

Đầu tư vào nông nghiệp Haiti cũng rất khiêm tốn. Quốc gia này đã từng tự chủ về gạo và hiện nay phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm giá thấp nhập khẩu từ Mỹ và qua biên giới với Dominica.

Vấn đề cơ bản hơn đối với Haiti chính là thể chế yếu kém, đặc biệt là cơ quan tư pháp, được cho là nguyên nhân gây ra sự thiếu minh bạch và tham nhũng.

Một báo cáo cho biết hầu hết các hợp đồng xây dựng được chỉ định cho một nhóm các công ty mà không thông qua đấu thầu và nhiều dự án vẫn còn dang dở, bên cạnh sự thiếu minh bạch trong việc phân phối quỹ PetroCaribe.

Một chính trị gia cho biết bộ máy Chính phủ mới sẽ đối mặt với một tình trạng vô cùng khó khăn./.

Mai Linh (theo Financial Times)