Hướng tới thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Cảng Cái Cui đang là nơi tiếp nhận, trung chuyển lớn lượng hàng hóa trong chuỗi logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Ngày 19/5, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, đây là hội nghị quan trọng để lấy ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương trong vùng, từng bước hoàn thiện đề án theo hướng khả thi nhất trước khi trình Chính phủ.

Theo đó, mục tiêu của Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL nhằm đóng góp xây dựng TP. Cần Thơ thành thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng hướng đến hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ có hiệu lực từ năm 2022.

Với chức năng là trung tâm logistics của toàn vùng, Trung tâm có nhiệm vụ liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL, đặc biệt là xuất khẩu. Bên cạnh đó, Trung tâm cần có khả năng thông thương hàng hóa hai chiều giữa các tỉnh ĐBSCL, có hệ thống kho lạnh tiêu chuẩn để có thể bảo quản hàng nông sản xuất khẩu trong một khoảng thời gian nhất định, thông quan hàng nông sản ĐBSCL một cách thuận tiện và có các cảng quốc tế (cảng hàng không và cảng biển) có khả năng thực hiện xuất khẩu trực tiếp từ Cần Thơ.

Khi trở thành đầu não của một mạng lưới logistics rộng khắp của toàn vùng, sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giảm chi phí dịch vụ logistics, chuỗi cung cấp dịch vụ logistics được chia ra thành các công đoạn để đo lường chi phí và thời gian trên từng công đoạn. Kết quả cho thấy, các công đoạn “kho bãi”, “hải quan”, “bốc dỡ hàng tại cảng” và “vận tải” là những công đoạn cần chú trọng cải tiến, tối ưu hóa hơn cả.

Theo lộ trình của đề án, năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai; xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động của Trung tâm theo Nghị quyết 45/2022/QH15 như cơ chế bù giá do miễn giảm tiền thuê đất; cơ chế tài chính đối với khu phi thuế quan…

Năm 2023, hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan; đồng thời xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong Trung tâm.

Năm 2024, tiếp tục các hoạt động đầu tư vào Trung tâm và hoạt động của các doanh nghiệp trong Trung tâm.

Năm 2026, là giai đoạn quyết liệt nhất, vừa là năm theo chốt để xác định, đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm, cùng hiệu quả của chính sách đặc thù đối với thành phố...

Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL; thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL.

Đối với tầm nhìn đến năm 2050, Trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của đô thị sân bay, với công nghệ thông minh và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng. Trong chuỗi liên kết này, có khoảng 50% - 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh./.