Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế thế giới: Phối hợp hành động toàn cầu WB cấp khoản tín dụng ưu đãi 126,9 triệu USD nâng cấp cơ sở hạ tầng cho TP. Vĩnh Long Doanh nghiệp niêm yết chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và bà Caroly Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Sự kiện còn có sự tham gia của TS. John Murton - Đặc phái viên của Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh, Phó Chủ tịch COP-26; ông Marcus Winsley - Phó Đại sứ Anh và đại diện các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Vấn đề tài chính là hết sức quan trọng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, hội thảo bàn tròn này là một cơ hội tốt để các bên trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, nhất là với Việt Nam khi các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và các cam kết ở COP-26 đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực và chủ động tham gia với quốc tế trong công cuộc giảm phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và coi đó là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển.

“Chiều qua, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp và làm việc với Chủ tịch COP-26. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng đã thông báo một số nội dung và hành động của Việt Nam sau những cam kết tại Hội nghị COP-26 vừa qua; đồng thời chia sẻ một số trọng tâm mà Việt Nam tiếp tục triển khai trong thời gian tới, trong đó có vấn đề về hoàn thiện thể chế, thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh,…” – Thứ trưởng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Thủ tướng rất coi trọng vấn đề tài chính để thực hiện được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết. Các chương trình, dự án cụ thể thì các bộ, cơ quan chức năng của Việt Nam đang khẩn trương xây dựng và rà soát.

Trong quá trình trao đổi làm việc giữa các bộ, các chương trình dự án lớn cũng đã được bàn thảo để xác định kế hoạch huy động các nguồn vốn từ Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, ngân hàng, khu vực tư nhân,…

“Việc huy động vốn là hết sức quan trọng, trong bối cảnh ngân sách Việt Nam còn eo hẹp thì huy động vốn từ các đơn vị nói trên là hết sức cần thiết. Chúng tôi cũng có phân loại, đối với chương trình dự án thuộc phạm vi hỗ trợ của Chính phủ, do Chính phủ trực tiếp triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, có những chương trình dự án phải xác định giao cho khu vực tư nhân thực hiện trên tinh thần đảm bảo hệ thống tài chính an toàn, đảm bảo quản lý nợ công bền vững, góp phần tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực” – Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

TS John Murton, Đặc phái viên của Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh, Phó Chủ tịch COP-26 trình bày các khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
Đại diện WB trình bày các khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.

Cần nguồn lực lớn để hoàn thành mục tiêu

Thực tế vừa qua, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải ròng xuống 0 và không còn điện than vào năm 2050. Mục tiêu này đã được nêu ra tại hội nghị COP-26.

Theo bà Caroly Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, đây là tham vọng lớn bên cạnh những hoài bão khác như đạt vị thế nước có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng toàn diện vì mọi người, phát triển con người,… đã đề ra trong các chiến lược phát triển. Và tất nhiên, để đạt được những mong muốn này cần phải có nguồn lực hết sức lớn.

Bà Caroly Turk chia sẻ, vừa qua WB đã thực hiện phương pháp mô hình hóa, phân tích giải pháp để Chính phủ vừa đạt mục tiêu tăng trưởng lại vừa giảm phát thải ra môi trường cùng lúc mà không bị ảnh hưởng đến nhau. Phương pháp phân tích này chỉ ra rằng, để làm được việc này cần một nguồn lực rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ USD. Đây là “gánh nặng lớn” đối với Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc mô hình hóa cũng chỉ ra một điểm tích cực là khả năng huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các nhiệm vụ này rất lớn. Thách thức chỉ là làm sao tạo môi trường thông thoáng để khu vực tư nhân có thể đầu tư một cách dễ dàng, ít rủi ro. Điều đó đòi hỏi cần làm rất nhiều việc liên quan đến khu vực tài chính, ngân hàng, thị trường vốn để thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng này.

Một phần nguồn lực tài chính lớn khác từ khu vực công, các đối tác như WB, ADB sẵn sàng làm việc với Chính phủ Việt Nam để khuyến nghị, cùng tìm ra giải pháp thích hợp.

Xét về tổng thể, theo Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, việc quan trọng là xác định được “cần bao nhiêu” để từ đó xây dựng kế hoạch huy động từ các nguồn. Muốn xác định được thì việc quan trọng nhất chính là hoàn thiện thật sớm tổng sơ đồ điện VIII để từ đó triển khai các công việc phía sau.

Bà Caroly Turk cũng cho rằng, một số lĩnh vực cần giảm phát thải như giao thông, nông nghiệp cần phải có sự tham gia của đầu tư công. Việc thiết kế đầu tư cũng phải được nghiên cứu cụ thể để Việt Nam có thể ứng phó được với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, nhất là với việc thay đổi thời tiết, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển và khan hiếm nguồn nước ở nhiều nơi. Đây là những điểm rất quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế, tăng trưởng.

Tại hội thảo bàn tròn, các đại diện đến từ WB, COP-26 đã có những bài trình bày về các vấn đề đặt ra với Việt Nam, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế. Các bộ, ngành cũng tham gia ý kiến, nêu lên những nội dung cần được sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu đã đặt ra./.