Làm rõ nguyên nhân, giải quyết vướng mắc giữa chi thường xuyên và chi đầu tư công Không cấm sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp, mua sắm, sửa chữa tài sản công

Theo Thông báo, chiều ngày 9/1/2024, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình số 709/TTr-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ về việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và kết luận như sau:

Điều 6 của Luật Đầu tư công quy định việc phân loại dự án đầu tư công theo tính chất của dự án (tại khoản 1) và theo mức độ quan trọng, quy mô của dự án (tại khoản 2) để làm căn cứ áp dụng các quy định của pháp luật trong việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công
Phiên họp chiều 9/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Điều 6 của Luật Đầu tư công không quy định nhiệm vụ, khoản chi nào phải dùng vốn đầu tư công, cũng như không quy định chỉ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc.

UBTVQH khẳng định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và các luật khác có liên quan không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay, UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết các nội dung này.

Theo tờ trình của Chính phủ, căn cứ các quy định của pháp luật, hiện đang có 2 cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật. Cách hiểu thứ nhất, Luật Đầu tư công quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; không có quy định hạn chế về đối tượng đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (được thực hiện theo quy định của Luật NSNN). Theo cách hiểu này thì Luật Đầu tư công và NSNN quy định độc lập về phạm vi nhiệm vụ chi.

Cách hiểu thứ hai là theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công thì toàn bộ các dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng (thuộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất) và toàn bộ các dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (không có cấu phần xây dựng) thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công, nên phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.