Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: "Tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương vì sự phát triển của đất nước" Phối hợp với các bộ, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc về nâng hạng thị trường chứng khoán Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đã nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về đánh giá của các tổ chức quốc tế với xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, điểm mạnh và giải pháp để tiếp tục nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy khả năng huy động vốn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Trong khi nhiều quốc gia bị hạ điểm tín nhiệm thì Việt Nam được các tổ chức S&P, Moody’s đánh giá ở mức “triển vọng và ổn định”. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, ngân hàng đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Làm rõ nguyên nhân, giải quyết vướng mắc giữa chi thường xuyên và chi đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, tháp tùng Thủ tướng Chính phủ trong trong chuyến công tác tại Mỹ vừa qua, ông đã làm việc với lãnh đạo các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s, S&P. Các tổ chức này đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng vào một nền kinh tế năng động phát triển.

Tuy nhiên, đại diện các tổ chức cũng nêu ra một số câu hỏi về việc giải quyết các vấn đề như nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công ách tắc, thị trường bất động sản ảm đạm… Qua trả lời của Bộ trưởng về các giải pháp mà Chính phủ đã và đang triển khai, các tổ chức bày tỏ sự hài lòng và tin tưởng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nêu câu hỏi về giải pháp giải quyết các quy định chồng lấn trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công. Theo đại biểu, vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp trước và trong Báo cáo của Chính phủ thì chưa được đề cập.

Làm rõ nguyên nhân, giải quyết vướng mắc giữa chi thường xuyên và chi đầu tư công
Đại biểu Trần Chí Cường nêu câu hỏi

Trả lời câu hỏi về Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, vướng mắc này cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm.

Bởi hiện Điều 6 khoản 2 của Luật Đầu tư công quy định dù xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa hay mở rộng về tài sản công đều đưa vào đầu tư công và theo Luật Đầu tư công thì phải được xác định trong kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn. Nếu kinh phí này không được thực hiện theo Luật Đầu tư công, mặc dù vẫn là ngân sách nhà nước thì sẽ sai quy định. Do đó, hiện nay thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn đang bị bế tắc và gây vướng trong quá trình thực hiện.

Để giải quyết những vướng mắc này, Bộ Tài chính đã 3 lần có các đề xuất trình Chính phủ, trình UBTVQH, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Lãng phí trong đầu tư công là ở quá trình triển khai

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) quan tâm đến giải pháp để giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công. “Cùng một công trình, dự án, nếu là đầu tư tư nhân thì chỉ bằng phân nửa hoặc tối đa cũng chỉ bằng 2/3 so với tổng mức vốn đầu tư công” - đại biểu nói.

Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát trong đầu tư công, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, nếu làm tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

Trước quan điểm cho rằng quy định về các định mức không phù hợp, gây ra lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua nghiên cứu định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy nhiều định mức thậm chí còn thấp hơn so với chi phí thực tế. Đơn cử như định mức nhân công, mức cao nhất là 300.000 đồng/ngày, nhưng thực tế có thể phải thuê đến 500.000 đồng/ngày.

“Nhiều định mức chúng tôi cho rằng rất thấp, nên lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai” - Bộ trưởng khẳng định và chỉ ra một số vấn đề như ăn bớt khối lượng, chất lượng, công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn...

Theo Bộ trưởng, các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ.

Làm rõ nguyên nhân, giải quyết vướng mắc giữa chi thường xuyên và chi đầu tư công
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Bố trí ngân sách cho phong trào đoàn đội trong nhà trường là một vấn đề khác mà đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, phong trào Đoàn, Đội trong trường học là thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm cả định mức kinh tế kĩ thuật ngành về kinh phí sự nghiệp bố trí cho phong trào Đoàn, Đội.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã có Thông tư 05 năm 2015, chỉ quy định về vấn đề phụ cấp của giáo viên kiêm nhiệm đối với phong trào Đoàn Đội. Còn hoạt động của phong trào Đoàn Đội có bố trí kinh phí không, bố trí như thế nào, tổ chức theo cung cách thế nào… thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo quy trình ngân sách, các công việc đó phải được các cấp ngân sách trình lên, Bộ Tài chính là cơ quan tổng hợp, không có vai trò đề xuất phát sinh các khoản chi.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cuối giờ sẽ mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục giải trình thêm.

Về vấn đề chi thường xuyên có tính chất đầu tư, trả lời tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng không hẳn là do Luật Đầu tư công mà có cả ở Luật Ngân sách nhà nước.

Để làm tường minh vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ mời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thêm với Quốc hội vấn đề này. “Trường hợp có vướng mắc, chúng ta sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Nếu chưa rõ, sẵn sàng có giải thích vấn đề, nguyên nhân nó nằm ở đâu. Nếu thông tư và nghị định sai thì phải sửa” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.