Sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị trực tuyến với 3 địa phương Khánh Hòa, Bình Định và Phú Yên về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường…; đại diện các đơn vị vụ, cục thuộc Bộ Tài chính.

Tại 3 điểm cầu, có lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.

Thu ngân sách khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm

Tại điểm cầu Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Lê Hữu Hoàng, trong 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,17% so với cùng kỳ năm trước, xếp vị thứ 5/63 của cả nước và thứ nhất vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.196,8 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến này, toàn tỉnh thu hút được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho địa phương phát triển. Ảnh: Đức Minh.

Tính đến hết ngày 30/9, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân thực tế đạt 54,9% dự toán; so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đạt 61,2% dự toán. Thu ngân sách đạt 11.661,9 tỷ đồng, đạt 75,5% dự toán và bằng 95,3% so với cùng kỳ năm trước.

Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2023, ông Lê Hữu Hoàng cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển trên địa bàn tỉnh.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chủ động theo dõi, nắm tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; huy động mọi nguồn lực cho phát triển; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công…

Tại điểm cầu Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo cho biết, 9 tháng năm 2023, tình kinh kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực; trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP quý III của tỉnh tăng 11,42% và trong 9 tháng tăng 8,87% (đứng vị thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đứng vị trí thứ 2/14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

Theo bà Hồ Thị Nguyên Thảo, tỉnh Phú Yên phấn đấu dự kiến tăng trưởng GRDP cả năm đạt khoảng 8%.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 30/9/2023) đạt 2.568,2 tỷ đồng, bằng 50,1% dự toán trung ương giao, bằng 32,1% dự toán tỉnh giao, bằng 65,3% so với cùng kỳ.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Phú Yên đạt thấp, 9 tháng mới đạt 31% kế hoạch vốn trung ương giao, kế hoạch vốn do địa phương giao đạt thấp hơn, chỉ đạt 24,6%.

Trong thời gian còn lại của năm, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao cho các đơn vị.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Lãnh đạo tỉnh Bình Định báo cáo tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: Đức Minh.

Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 9 tháng năm 2023 tăng 6,92% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 2,68 điểm phần trăm (GDP cả nước tăng 4,24%), xếp vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 7/14 địa phương vùng miền Trung và thứ 1 trong 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tất cả các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương. Đáng chú ý, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phục hồi và tiếp tục tăng cao hơn tháng trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 1.154 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch năm và giảm 6,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thu ngân sách tiếp tục gặp khó do khoản thu tiền sử dụng đất không đạt như kỳ vọng. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 đạt 7.750 tỷ đồng, bằng 74% so với dự toán.

Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 22/9/2023 đạt 5.619,3 tỷ đồng, đạt hơn 73,6% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và đạt hơn 58,3% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh phấn đấu năm 2023 tăng trưởng đạt 7,2%, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao. Thời gian tới, Bình Định tập trung thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn. “Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm. Tỉnh có 12 dự án, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023” - ông Nguyễn Tự Công Hoàng nói.

Các bộ, ngành phải cùng chủ động vào cuộc gỡ khó cho địa phương

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định và phân công các thành viên Chính phủ làm trưởng các đoàn công tác để kiểm tra, ghi nhận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Tại điểm cầu Bộ Tài chính có sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2023 là năm rất khó khăn, thể hiện qua con số tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 3,72%, tăng trưởng GDP quý III/2023 đạt 5,33%, gây áp lực lớn cho tăng trưởng quý IV/2023. Trong khi tăng trưởng bình quân mục tiêu đặt ra là từ 6 - 6,5%. GDP 9 tháng năm 2023 đạt thấp trong 12 năm nay (trừ năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19).

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thu ngân sách nhà nước cũng gặp khó khăn, khi 9 tháng chỉ đạt 75% dự toán, dự báo nhịp độ thu ngân sách cuối năm ngày càng giảm. Theo tính toán, tháng 8 và tháng 9, thu ngân sách nhà nước chỉ bằng 60% của bình quân 9 tháng. Hết tháng 9/2023, có 52 tỉnh thu ngân sách nhà nước thấp hơn tiến độ dự toán.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung báo cáo về tình hình tăng trưởng GRDP trên địa bàn, tiến độ thu ngân sách nhà nước, tình hình xuất nhập khẩu, đầu tư, xây dựng và những vướng mắc khó khăn, kiến nghị đề xuất để sau hội nghị sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương, đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu…

Với các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ tập trung giải quyết các kiến nghị của địa phương. Với những vướng mắc không thuộc thẩm quyền, thì các bộ phải chủ động vào cuộc, phối hợp giải quyết.

“Phải xác định đây là việc chung, vì sự phát triển của đất nước và uy tín của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, để xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, giúp các địa phương phát triển” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.

Trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương, đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu…