Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím
Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím. Ảnh: Diệu Hoa

Giá hành biến động mạnh theo thị trường

Thông tin tại diễn đàn, ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng cho biết, hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm 6.500 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trên 90.000 tấn.

Trong đó, diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ (áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ giảm phân hóa học) hơn 1.150 ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là 10,8 ha/23 hộ tại tổ hợp tác lúa - màu Cà Lăng B, phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường 10-20 triệu/ha. Hành tím Vĩnh Châu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Indonesia, Malaysia… đem về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.

Vụ Đông năm 2022 - 2023, tổng diện tích hành củ, tỏi của tỉnh Hải Dương là 6.252ha được trồng tập trung chủ yếu ở Kinh Môn, Nam Sách, TP.Hải Dương, Kim Thành. Về tiêu thụ, giá hành đầu vụ (từ cuối tháng 12 đến hết tháng 1) luôn cao, ổn định ở mức từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 2 đến nay, giá bán dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Tổng thu nhập bình quân từ trồng hành dao động từ 10 - 15 triệu đồng/sào. Có thời điểm, hành cho thu nhập từ 18 - 23 triệu đồng/sào. Lãi thuần từ trồng hành ước đạt 6 - 10 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, hiện tỉnh có diện tích chuyên canh trồng hành khoảng 300 ha, tương đương diện tích canh tác hàng năm xấp xỉ 1.000 ha/năm, với sản lượng đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm và hành lá chiếm 90%. Vùng có 10% diện tích sản xuất hướng tới quy trình VietGAP, 30ha đã được chứng nhận VietGAP. Hiện nay, sản phẩm hành hoa, hành lá được tiêu thụ theo bán sản phẩm tươi theo thu hoạch, giá bán phụ thuộc nhu cầu của thị trường từng thời điểm, song có sự biến động lớn, dao động từ 2.000 - 10.000 đồng/kg...

Đánh giá về tình hình sản xuất trồng hành của nước ta, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, tổng diện tích sản xuất hành đạt khoảng 14 - 15 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... Hành tím trồng chủ yếu tại Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi. Trong đó, diện tích trồng hành tím tại Hải Dương đạt 5.700 ha, sản lượng 110 nghìn tấn và tại Sóc Trăng là 6.500 ha với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn.

Qua số liệu, có thể thấy tổng diện tích trồng hành tím ở phía Nam là khoảng 7.000 ha, tập trung chủ yếu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, gây áp lực cho bảo quản sau thu hoạch.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay có một số khó khăn trong sản xuất hành như manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm...

Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím
Trồng hành nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: Diệu Hoa

Sản xuất theo tín hiệu thị trường với quy trình an toàn, chất lượng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Thời điểm tháng 2,3 các vựa hành bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đủ phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này dẫn tới công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê, xuất khẩu củ hành 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm.

Theo thống kê năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó đa phần là đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD; tiếp theo là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Lào, Nhật Bản, Myanmar…

Liên quan các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ rau củ nói chung và hành, hẹ, tỏi nói riêng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, cần có những vùng sản xuất tập trung, định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường với những quy trình an toàn, chất lượng.

Để phát triển thị trường, nhà sản xuất, xuất khẩu, cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để vừa giữ được thị trường truyền thống, vừa mở rộng thị trường mới. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến chế biến để tăng giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị cho ngành hàng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Vương Quốc - Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam đề nghị ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu./.