Quảng Ninh: Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc Quảng Ninh: Tìm giải pháp gỡ khó cho ngành lâm nghiệp sau cơn bão số 3

Phát triển thương mại nội địa

Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong tỉnh Quảng Ninh đang dần phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Sức mua ngày càng gia tăng không chỉ là tín hiệu lạc quan cho người dân và doanh nghiệp mà còn là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế cho thấy, hoạt động thương mại tại Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển. Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 133 chợ, 26 siêu thị và 7 trung tâm thương mại, cùng với hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và hộ kinh doanh bán lẻ đang hoạt động, điều này tạo nên một hệ thống phân phối hàng hóa đa dạng và phong phú.

thúc đẩy tiêu dùng nội địa đang được các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tại Quảng Ninh tích cực thực hiện
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa đang được các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tại Quảng Ninh tích cực thực hiện. Ảnh: Tiến Dũng.
Theo thống kê của Sở Công Thương Quảng Ninh, 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,97% so cùng kỳ 2023. Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sôi động trở lại, các chợ, siêu thị, cửa hàng mở cửa bình thường sau ảnh hưởng của bão số 3.

Cùng với đó, hiện các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh cũng đang có sức mua rất lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), hội chợ, Tuần xúc tiến Thương mại… Tính đến thời điểm hiện tại, 393 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao đã được lên các sàn TMĐT: Shopee, Tiki, Lazada, YouTube, TikTok để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Có 82 sản phẩm OCOP được kết nối tiêu thụ ổn định vào các kênh tiêu thụ hiện đại tại siêu thị GO! Hạ Long, MM Mega Market, Winmart, Aloha..., chuỗi cửa hàng tiện lợi nông sản sạch và các điểm mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh phục vụ khách du lịch; 123 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ tại một số thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương…

Tăng giá trị ngành thương mại nội địa

Từ đầu năm 2024, Quảng Ninh đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để kích cầu tiêu dùng, như Tuần hàng Việt và các chương trình kết nối kinh doanh. Những sự kiện này không chỉ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm nội địa.

Để có định hướng về lộ trình phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm và đóng góp khoảng 10-12%/năm giai đoạn 2026-2030; đến năm 2030, đóng góp khoảng 15% vào kinh tế của tỉnh. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022-2025 đạt tốc độ tăng bình quân 17-18%/năm; giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân từ 15-16%/năm...

Giai đoạn 2031-2045, tỉnh phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5-9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân 12-13%/năm; đến năm 2045 kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa; giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 80% tại các kênh phân phối trong siêu thị, trung tâm thương mại và trên 70% tại các chợ truyền thống.

hoạt động livestream quảng bá trực tuyến sản phẩm Na Đông Triều.
Hoạt động livestream quảng bá trực tuyến sản phẩm Na Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với đó, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với doanh thu chiếm 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12%/năm; 70% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa trên phạm vi toàn tỉnh; 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa.

Đây là một lộ trình rõ ràng và cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Điển hình như: Các hoạt động phát triển TMĐT quảng bá sản phẩm OCOP tuy đã phát triển nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thị hiếu; nhiều người dân vẫn chưa thay đổi được thói quen mua hàng truyền thống; hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn chưa cao…

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ninh, để tiếp tục phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng sản phẩm nội tỉnh, Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý thị trường sản phẩm; phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông hàng hóa với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa….

Trong thời gian tới, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị phần nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.