Khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng

Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Tọa đàm “Mạng lưới doanh nghiệp tiên phong Việt Nam”. Tọa đàm do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Hơn 80 đại diện lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp tham dự Tọa đàm.

Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong nhằm tạo cơ hội kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trên hành trình vươn ra thế giới cũng như thảo luận các sáng kiến, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững.

Kinh tế xanh, kinh tế số nâng tầm giá trị, thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế
Các đại biểu tham gia Tọa đàm “Mạng lưới doanh nghiệp tiên phong Việt Nam”. Ảnh: TN

Theo đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vài thập kỷ vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành một trong các động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Việt Nam hiện đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô lớn, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới, xu hướng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức. Tăng cường nội lực và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chính là chìa khóa nâng tầm giá trị Việt, thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Sau khi được lựa chọn, 35 Biên bản hợp tác (MOU) đã được ký kết giữa các doanh nghiệp tiên phong, hơn 7 triệu đô la Mỹ cam kết từ Dự án và các doanh nghiệp tiên phong để đồng triển khai 150 hoạt động.

Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới, trong hơn 3 năm vừa qua, Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (Dự án) đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong. Đến nay, từ khoảng 800 doanh nghiệp ứng tuyển tham gia Chương trình, 35 doanh nghiệp tiên phong trong 8 lĩnh vực kinh tế đến từ nhiều địa phương trên toàn quốc đã được lựa chọn.

Các doanh nghiệp này không chỉ đại diện cho sức mạnh của doanh nhân Việt Nam mà còn thể hiện tinh thần vượt khó, nỗ lực không ngừng và luôn có khát vọng rất lớn với sản phẩm Việt, giá trị Việt.

Họ là khởi nguồn cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn trong tương lai - những “doanh nghiệp đầu tàu”, “doanh nghiệp tiên phong” để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cơ hội để đưa sản phẩm Việt Nam chất lượng cao ra thế giới

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Xuân Thọ đại diện Công ty CP Dược phẩm Vĩnh Phúc (Vinphaco) - một trong 35 doanh nghiệp tiên phong cho biết, Vinphaco vinh dự được lựa chọn là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Dự án do USAID tài trợ.

“Chúng tôi tin tưởng rằng sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của Dự án cùng với quyết tâm mạnh mẽ của toàn thể cán bộ, công nhân viên Vinphaco trong dự án chuyển đổi số toàn diện và triển khai hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP S/4HANA, sẽ giúp Vinphaco nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp đưa sản phẩm thuốc Việt Nam chất lượng cao ra thế giới” - ông Phạm Xuân Thọ nhấn mạnh.

Kinh tế xanh, kinh tế số nâng tầm giá trị, thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế
Các biên bản hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp tiên phong. Ảnh: TN

Còn theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án IPSC, các doanh nghiệp tiên phong chính là lực lượng nòng cốt nhằm dẫn dắt và kiến tạo những thay đổi trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Đây sẽ là những điển hình thành công, lan toả tinh thần tiên phong, tự hào của người Việt trên hành trình đưa sản phẩm “Made by Vietnam” ra thị trường quốc tế.

Ông Douglas Balko - Giám đốc Chương trình giáo dục, tăng trưởng kinh tế và quản trị nhà nước, USAID Việt Nam cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ với Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (AED). USAID và AED hiện cung cấp các hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong - trụ cột cho những thay đổi mang tính đột phá trong khu vực tư nhân của Việt Nam, hiện tại và trong tương lai.

Đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân sẽ tiếp tục tập trung triển khai các hỗ trợ kỹ thuật chuyên biệt cho từng doanh nghiệp, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, qua đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong thời gian tới, USAID sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ Việt Nam nhằm tăng năng suất lao động và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Việt Nam, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm mở rộng sự hội nhập và hiện diện của Việt Nam tại các thị trường khu vực và toàn cầu để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển dài hạn chung của hai Chính phủ, nâng cao sinh kế của người dân Việt Nam trên cả nước.

Ghi nhận tại tọa đàm cho thấy, hầu hết các ý kiến và sáng kiến được đưa ra trong phiên thảo luận không chỉ góp phần định hình chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp mà còn là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vươn lên.

Sự kết nối và hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tiên phong hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy tối đa tiềm năng của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tiên phong cũng hướng tới thực hiện các mục tiêu về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xác định tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ./.