Hai tháng “tạm thời”

Kể từ ngày 11/10/2021, cả nước “sống chung” với Covid- 19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Nhưng đó chỉ là sự “tạm thời”, bởi như lý giải của Chính phủ, Covid-19 là một đại dịch chưa có trong tiền lệ, rất khó ứng phó vì không thể tiên lượng và không biết được những mức độ nguy cơ và ảnh hưởng, những tác động của nó đối với vấn đề sức khỏe người dân và kinh tế - xã hội của từng quốc gia và tất cả các nước cũng phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm.

Kỳ họp bất thường mở lối bình thường kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm các cháu học sinh Trường Phổ thông

dân tộc nội trú Định Hóa, Thái Nguyên, ngày 3/9/2021.

Sau hai tháng “tạm thời”, Thủ tướng đánh giá Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân dần ổn định trở lại…

Theo Thủ tướng, điều này cho thấy nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc; niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố. Cùng với đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc.

Nhưng để chấm dứt thời kỳ “tạm thời” thì nói như Thủ tướng là “hoàn cảnh đặc biệt, cần có những giải pháp đặc biệt”. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Đối với Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 đặt mục tiêu chậm nhất trong tháng 12 Việt Nam phải cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc - xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi, tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho người từ 12 tuổi, đồng thời nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tiêm vắc - xin cho trẻ em từ 5 tuổi. Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung một số trụ cột bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…

Dốc lực giải ngân

Một câu hỏi Quốc hội đặt ra khá gay gắt tại Kỳ họp thứ hai vừa diễn ra vào tháng trước là tại Kỳ họp bất thường tới đây, kể cả khi Quốc hội quyết cho Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ, trong đó có một gói hỗ trợ cho đầu tư để đẩy bật tăng trưởng GDP vào năm tới, thì chắc gì nền kinh tế đã hấp thụ được khi năm nay, hàng loạt dự án giậm chân không thể giải ngân. Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước mới giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng, đạt 63.86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Vào những ngày cuối cùng của năm, theo yêu cầu của Thủ tướng, 6 Tổ công tác với 4 Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, là 6 Tổ trưởng tăng hết “công suất” kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 còn dưới 60% kế hoạch được giao.

Điều “không thể” của Thủ tướng

Sớm trở về trạng thái bình thường là mong muốn của toàn dân và cũng là thôi thúc trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến một điều “không thể” với nhiều nỗi xót xa và coi đó như là mệnh lệnh để Chính phủ phải nhanh đẩy lùi cho được dịch bệnh. Đó là: “Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu”.

Trong suốt thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhiều lần nói rằng: “Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình” và nhấn mạnh yêu cầu: “Phải sớm cho học sinh được trở lại trường”. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo an toàn chống dịch nhưng phải phải hết sức khẩn trương. Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vắc - xin.

Cũng liên quan đến điều “không thể” này, Thủ tướng thấy “hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống”.

Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân được chỉ ra tại các cuộc kiểm tra này là do tác động của dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều dự án phải dừng thi công. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi… tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án. Các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, đấu thầu…

Các Tổ trưởng đều nhấn mạnh rằng Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ đã yêu cầu phải giải ngân để tạo điều kiện, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế cao hơn, do đó việc giải ngân trong thời gian còn lại của năm đòi hỏi rất khẩn trương và cấp bách. Các Bộ, ngành, địa phương đều cam kết sẽ phấn đấu đạt kết quả giải ngân cao nhất.

Như các địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An cam kết đến 31/1/2022 tối thiểu giải ngân đạt 95%.

Rộng cửa phục hồi

Nội dung được trông đợi nhất tại Kỳ họp bất thường là Quốc hội sẽ xem xét cho phép Chính phủ thực hiện Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, tại phiên họp thứ 6, UBTVQH đã nhất trí bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội và sẽ xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp bất thường tới đây.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật này sẽ là một trong những động thái mở rộng cửa hơn nữa cho quá trình phục hồi kinh tế. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được tháo gỡ khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi này. Một động thái nữa để thúc đầu tư công “khỏe” lại là tại Kỳ họp bất thường, QH xem xét cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Kỳ họp bất thường cũng sẽ xem xét Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, nơi vừa trải qua những ngày tháng chao đảo vì đại dịch.