TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng GDP trong năm 2022. Theo đó, ở kịch bản tiêu cực, GDP Việt Nam năm 2022 chỉ tăng trưởng 4,5 - 5%; còn ở kịch bản cơ sở, GDP sẽ tăng từ 5,5 - 6%; ở kịch bản tích cực, GDP sẽ tăng từ 6 - 6,5%. Dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ tăng từ 6,5 - 7%.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Lực dẫn ra các cơ sở: dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm nay; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 với đầu tư công được đẩy mạnh; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định (dù có áp lực tăng); kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh; cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách được thúc đẩy; tác dụng của RCEP bắt đầu có hiệu lực… Các yếu tố này sẽ tạo ra các động lực cho phục hồi tăng trưởng mạnh hơn.

Sản xuất linh kiện điện tử.
Sản xuất linh kiện điện tử.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng qua 4 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế nước ta về cơ bản tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Theo tính toán của Chính phủ, khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình trên, việc thực hiện chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2 - 3%.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu, đa chiều. Bởi theo ông, đây là những nỗ lực rất cần thiết, nhằm góp sức cho công tác hoạch định chính sách cũng như hoạt động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như các nghị quyết của Chính phủ đã đề ra.

Tận dụng “phao cứu sinh” là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ

Trong bối cảnh mới nhiều thách thức, để tận dụng hiệu quả một trong những "phao cứu sinh" là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gợi ý, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính.

Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu chương trình.