Kinh tế suy thoái nhẹ

Ngày 25/5/2023, sau khi thực hiện điều chỉnh, Cơ quan thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố kinh tế nước này đã sụt giảm 0,3% trong quý I/2023. Như vậy, với việc đã ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,5% trong quý trước đó, Đức đã đáp ứng định nghĩa về suy thoái kinh tế kỹ thuật (tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp). Đây là đợt suy thoái đầu tiên sau 3 năm kể từ khi nền kinh tế đứng thứ tư thế giới rơi vào tình trạng tương tự vào đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (quý I, quý II năm 2020).

Lạm phát cao khiến kinh tế Đức rơi vào suy thoái
Lạm phát cao khiến kinh tế Đức rơi vào suy thoái. Ảnh: TL

Hiện lạm phát tại Đức vẫn đang ở mức cao khi ghi nhận mức 6,1% (tháng 5), tuy có giảm so với mức 7,1% của tháng trước đó, nhưng cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Pháp (5,9%), Thuỵ Sỹ (2,9%), Tây Ban Nha (4,1%). Đặc biệt, lạm phát tại Đức giảm chậm bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Chính phủ nước này. So với giai đoạn đỉnh điểm tháng đầu quý 3 năm 2022 đến nay, lạm phát tại Đức giảm 2,7 điểm % (từ mức 8,8% tháng 10), trong khi lạm phát tại Mỹ giảm tới 4,2 điểm % (từ mức 9,1% của tháng 9/2022), khu vực Euro cũng đã giảm tới 4,5 điểm % từ mức đỉnh điểm của năm 2022.

Lạm phát cao và giảm chậm được xem là nguyên nhân chính dẫn sự suy thoái của kinh tế Đức. Chi phí vay ngân hàng tại Đức đang ngày càng đắt đỏ, nhất là khi quá trình nâng lãi suất của ECB vẫn chưa hoàn tất. Với mục tiêu đưa lãi suất về mức mục tiêu 2%, ECB đã tiến hành tăng lãi suất 7 lần liên tiếp từ năm 2022, đưa mức lãi suất cơ bản lên mức 3,75%. Lĩnh vực sản xuất - vốn đóng vai trò chủ chốt trong kinh tế Đức do đó đã chịu tác động rất lớn.

Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của Ngân hàng ING nhận định, sự lạc quan kinh tế hồi đầu năm đã nhường chỗ cho cảm giác lo lắng, khi mà sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng ít đi, chưa kể những yếu tố khác như tác động từ cuộc chiến ở Ukraine, thay đổi nhân khẩu học và quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Đức trong những năm tới.

Hiện lạm phát tại Đức vẫn đang ở mức cao khi ghi nhận mức 6,1% (tháng 5), tuy có giảm so với mức 7,1% của tháng trước đó, nhưng cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Pháp (5,9%), Thuỵ Sỹ (2,9%), Tây Ban Nha (4,1%).

Bên cạnh sản xuất, lạm phát cao cũng khiến tiêu dùng trong nước giảm mạnh khi người dân chi tiêu ít hơn và có xu hướng dự trữ để phòng ngừa rủi ro. Theo các số liệu thống kê, tiêu dùng của các hộ gia đình tại Đức trong quý I/2023 đã giảm 1,2% so với quý trước đó, trong khi chi tiêu Chính phủ cũng ghi nhận mức giảm lên tới 4,9%. Theo chuyên gia phân tích Andreas Scheuerle tại DekaBank “dưới sức nặng của tỷ lệ lạm phát cao khủng khiếp, người tiêu dùng Đức đã khuỵ xuống, kéo theo đó là sự đi xuống của cả nền kinh tế”.

Trong dự báo tháng 4/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã dự báo kinh tế Đức sẽ giảm 0,1% trong năm 2023, trước khi tăng trưởng trở lại 1,1% vào năm 2024. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với các nước trong khu vực Euro khi mà nguy cơ suy thoái kinh tế đã dần tan biến nhờ giá năng lượng thấp. Ngay cả tại Anh, vốn bị mắc kẹt trong tình trạng đình trệ trong nhiều năm qua cũng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Lạm phát cao khiến kinh tế Đức rơi vào suy thoái
Lạm phát cao cũng khiến tiêu dùng trong nước giảm mạnh khi người dân chi tiêu ít hơn. Ảnh: TL

Tín hiệu của sự phục hồi

Kinh tế Đức đã đón nhận một số tín hiệu lạc quan nhờ các biện pháp hỗ trợ mạnh tay của Chính phủ và việc tăng cường sử dụng khí đốt hoá lỏng giúp bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt nhập khẩu từ Nga, mùa đông ấm áp hơn thường lệ khiến giá khí đốt giảm đáng kể từ cuối năm ngoái cũng được xem là lợi tạo đà phục hồi cho kinh tế nước này.

Bên cạnh đó, kinh tế Đức cũng được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế từ đầu năm nay. Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu lớn của Đức với các sản phẩm như ô tô, điện tử.

Hoạt động đầu tư được cải thiện trong quý I/2023, so với quý IV/2022, đầu tư vào máy móc và thiết bị đã tăng 3,2%, trong khi đầu tư vào xây dựng cũng tăng 3,9%. Cùng với đó là những đóng góp từ lĩnh vực thương mại khi xuất khẩu tăng 0,4%, trong khi nhập khẩu giảm 0,9%. Một số ý kiến cho rằng, lạm phát hạ nhiệt và tiền lương tăng nhanh, kết hợp với sức mạnh của thị trường lao động sẽ giúp Đức đạt được mức tăng trưởng nhẹ trong thời gian tới.

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) trong báo cáo đưa ra ngày 25/5/2023 kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý II/2023 nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp, bù đắp cho tiêu dùng hộ gia đình trì trệ và sự sụt giảm trong ngành xây dựng.

Tác động đến khu vực EU

Đức là nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng Euro, chiếm gần 30% sản lượng kinh tế của khối, là đối tác thương mại lớn nhất của hơn một nửa trong số 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Với vai trò là đầu tầu kinh tế của khu vực, nhiều thập kỷ qua Đức đã đưa khu vực vượt qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.

Gần đây, trong cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, chính Đức đã chi rất nhiều tiền để cứu Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, ngoài ra Đức còn hỗ trợ cho nhiều nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu như Ý, Tây Ban Nha thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất.

Trong bối cảnh khả năng phục hồi kinh tế của Đức đang đứng trước thách thức nghiêm trọng điều này khiến phần còn lại của EU rơi vào lo lắng. Đây được đánh giá là tiếng chuông cảnh báo đối với khu vực Euro và cả Liên minh châu Âu rộng lớn vốn phụ thuộc nhiều vào nền công nghiệp khổng lồ của quốc gia này. Dana Allin, giáo sư tại SAIS Europe nhận định “Sức khoẻ của nền kinh tế Đức rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, cũng sự hài hoà và đoàn kết của khối”.