Hệ thống nhà xưởng của Nhà máy Liên hợp gang thép Hà Tĩnh

Hệ thống nhà xưởng của Nhà máy Liên hợp gang thép Hà Tĩnh được xây dựng đồ sộ, nhưng bỏ dở, ngổn ngang từ năm 2010. Ảnh: Hà Phương

Đây là ý kiến của đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Sỹ Cương trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề trách nhiệm trong các dự án thua lỗ, kém hiệu quả.

* PV: Những năm gần đây, trong lúc ngân sách gặp nhiều khó khăn, thì cũng xuất hiện nhiều dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, khiến cử tri bức xúc. Từ dự án vài tỷ đồng như xây chợ, cho đến các dự án hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng xây bệnh viện, nhà máy... Ông nghĩ thế nào về hiện tượng này?

- ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Để chứng minh các dự án này cần thiết hay chưa, có lãng phí hay không cũng khó vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Vấn đề chính là trên thực tế, các cơ quan chức năng phải giám sát việc này, từ quá trình xây dựng một dự án đầu tư, “chạy” để được phê duyệt dự án, được rót vốn. Khi đầu tư thì giải trình rất hay là có hiệu quả, nhưng đến lúc không có hiệu quả thì phải xử lý thế nào, điều này cần phải làm rõ. Nếu không cách làm này lại cứ tiếp tục mà không ai chịu trách nhiệm.

* PV: Trong nhiều dự án lãng phí, kém hiệu quả, rất ít khi có cá nhân bị quy trách nhiệm. Theo ông, liệu chúng ta có kẽ hở gì trong pháp luật không? Quốc hội có nên yêu cầu phải truy trách nhiệm cá nhân đối với các trường hợp này hay không?

ĐB Nguyễn Sỹ Cương

ĐB Nguyễn Sỹ Cương

- ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Thực ra không đến mức không quy được trách nhiệm mà ngược lại, hoàn toàn có thể quy được trách nhiệm. Bởi mỗi khi dự án được xét duyệt qua cấp nào, ai chịu trách nhiệm, ai xem xét phê chuẩn hay trình phê chuẩn đều có con người cụ thể, có bộ máy cụ thể. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm truy trách nhiệm đến cùng hay không thôi.

Về phía Quốc hội, theo tôi cần có yêu cầu quy trách nhiệm cho rõ ràng đối với các cơ quan, tổ chức phê duyệt các dự án đó.

* PV: Trong các cuộc chất vấn ở Quốc hội, chúng ta thường chỉ chất vấn đến các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Liệu có cần thiết yêu cầu lãnh đạo của các địa phương, các tập đoàn - nơi trực tiếp thực hiện các chương trình, dự án lên để chất vấn hay không, thưa ông?

- ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Đây là vấn đề về cơ chế, và thực tế tôi đã có ý kiến về cơ chế này khi tham gia vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ví dụ có rất nhiều công trình dự án giao cho địa phương làm chủ đầu tư, còn các bộ ngành chỉ có chức năng hỗ trợ về mặt chế độ chính sách để thực hiện các chương trình, dự án đó. Địa phương mới là nơi thực hiện toàn bộ dự án. Rất tiếc là Quốc hội không có chức năng để chất vấn với lãnh đạo các tỉnh, mà chỉ chất vấn đến các bộ trưởng. Các bộ trưởng thường chỉ là nơi hỗ trợ chính sách để thực hiện chương trình, dự án đó. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng sắp tới chúng ta cần có sự thay đổi để giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội có hiệu lực hơn.

* PV: Như vậy, phải chăng chúng ta cần xem lại cơ chế phân cấp với chính quyền địa phương trong việc triển khai các dự án, nhất là các dự án lớn?

- ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Đó là điều cần thiết, tuy nhiên liên quan đến chính quyền địa phương thì còn nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ. Tôi đã chuẩn bị một bài phát biểu về vấn đề này trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta thật sự có bộ máy chính quyền địa phương, một đội ngũ cán bộ công chức đạt chuẩn thì có lẽ không đến mức có rất nhiều vấn đề xảy ra ở địa phương mà chính quyền không biết, không chịu trách nhiệm. Đấy là điều mà xã hội rất bức xúc. Tôi đã từng tham gia ý kiến tại Quốc hội rằng trong bộ máy chính quyền địa phương thì bộ phận nào cũng có, đội ngũ cán bộ công chức tinh giảm mấy chục năm vẫn cồng kềnh. Thế nhưng nói đến vấn đề gì xảy ra ở địa phương thì cũng không biết, không có trách nhiệm. Đấy là điều rất đáng tiếc.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Dương An (thực hiện)