BHXH

Ảnh T.L minh họa

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đa số ý kiến tán thành việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ, hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc bổ sung cán bộ bán chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc vẫn còn ý kiến khác nhau. Phương án của Chính phủ đề nghị quy định đối tượng này thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ, vì đối tượng này không thuộc diện hưởng tiền lương mà chỉ hưởng chế độ phụ cấp, thời gian làm việc không trọn ngày và sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (các chế độ của BHXH bắt buộc).

Phương án được Ủy ban Các vấn đề Xã hội (UBCVĐXH) tán thành là áp dụng BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của nhà nước đối với đối tượng này, đồng thời khuyến khích các địa phương hỗ trợ việc thực hiện BHXH bắt buộc đầy đủ 5 chế độ. Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đinh Văn Nhã cho rằng đưa cán bộ bán chuyên trách cấp xã vào BHXH bắt buộc là thiếu căn cứ pháp lý, vì họ không hưởng lương. Vì thế, đưa vào BHXH bắt buộc và được Nhà nước hỗ trợ có thể gây phản cảm. Hiện nay với nhóm này, Chính phủ cũng đang có những đổi mới quan trọng, chuẩn bị hiệu chỉnh, vì vậy nên để theo hướng tự nguyện, có sự hỗ trợ của nhà nước. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Phan Trung Lý.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khả năng vỡ quỹ sẽ lớn hơn khi mở rộng đối tượng đối với cán bộ bán chuyên trách khi mức đóng không tăng, đóng thấp hưởng cao, thời gian hưởng lâu nên chỉ qui định nhóm này đóng BHXH tự nguyện, Nhà nước xem xét khả năng quyết định mức hỗ trợ cho phù hợp.

Giao cho cơ quan BHXH chức năng thanh tra

Để khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về mức đóng BHXH tự nguyện do người lao động lựa chọn, mức đóng thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo và mức đóng cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ sở. Một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét khả năng cân đối ngân sách khi thực hiện chính sách nhà nước hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện là nông dân, lao động khu vực phi chính thức.

Một quy định được đa số ý kiến tán thành là từ ngày 1/1/2018 mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo quy định của Bộ luật Lao động, thay vì áp dụng ngay từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành là 1/7/2015, để đảm bảo tính khả thi.

Các đại biểu cũng tán thành việc giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH. Bởi cơ quan BHXH chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động. Đây không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng và đầu tư sinh lời đối với quỹ BHXH, thực hiện cung cấp dịch vụ công. Nếu bổ sung chức năng thanh tra đối với việc đóng BHXH sẽ khắc phục mạnh mẽ những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH...

UBCVĐXH đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý lộ trình các thay đổi về chính sách BHXH phải hợp lý, được hoàn thiện ngay trong dự thảo. Các chính sách hỗ trợ cho công nhân, người lao động, công chức về BHXH phải tính toán xem NSNN có chịu được hay không, dù hoan nghênh tư tưởng về chính sách này.

Hoàng Yến