![]() |
Nguồn: Chính phủ Đồ họa: Văn Chung |
Sáng 10/7, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí vào Chương trình lập pháp năm 2025 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Chính phủ đề xuất xây dựng 4 luật và bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, gồm: Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Dự án Luật An ninh mạng; Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).
Ngày 31/5 hàng năm là “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí”Thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội, dự thảo Luật sẽ bổ sung quy định về “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí” là ngày 31/5 hàng năm; bổ sung quy định về việc lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân để hình thành văn hóa, nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi lãng phí. |
Trong đó, dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí có nội dung chính là thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định để nhận diện rõ hơn hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý theo Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Để xác định rõ vai trò, gia tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí, dự thảo Luật bổ sung quy định về Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí và sửa đổi quy định liên quan Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, dự thảo Luật cũng xác định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống lãng phí ngay từ khâu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo Luật lược bỏ nhiều nội dung không còn đảm bảo đồng bộ, thống nhất, chồng chéo với các quy định pháp luật chuyên ngành.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) theo trình tự, thủ tục thông thường.
Cho ý kiến về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cùng các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật, trong đó có dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Đối với dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, đa số ý kiến của các cơ quan tán thành tên gọi như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý việc thay đổi tên gọi thành Luật Tiết kiệm, chống lãng phí cần bảo đảm không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà phải thiết lập chuẩn mực pháp lý rõ ràng có tính khái quát, bao hàm đầy đủ các nguyên tắc, chính sách, biện pháp thúc đẩy tiết kiệm và ngăn ngừa lãng phí; khuyến khích tiết kiệm, chống lãng phí cả đối với khu vực tư nhân; tạo cơ sở xác định nghĩa vụ pháp lý bắt buộc với biện pháp xử lý vi phạm hiệu quả hơn.
Bao quát đầy đủ các lĩnh vực cần phòng, chống lãng phí
Theo Chính phủ, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 còn nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, các khái niệm "tiết kiệm", "lãng phí", "hành vi gây lãng phí" chưa rõ ràng, chưa bao quát hết các trường hợp thực tiễn.
Luật cũng thiếu các chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa lãng phí và chưa có quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công khai về tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát, kiểm tra. Cơ chế Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành cũng phát sinh một số điểm chưa phù hợp, thiếu quy định triển khai dài hạn và một số quy định không còn đảm bảo đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành.
Trên thực tế, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây suy giảm nguồn lực con người, tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Do đó, dự kiến phạm vi điều chỉnh của Luật Tiết kiệm, chống lãng phí sẽ bao quát đầy đủ các lĩnh vực cần phòng, chống lãng phí, đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan như đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đó, Luật sẽ quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Ngay cả đối với lĩnh vực năng lượng, các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí cũng sẽ được cụ thể hóa, bao gồm hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý nếu không được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí được kỳ vọng sẽ tạo ra một khung khổ pháp lý rõ ràng, hiệu quả, nâng cao ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên phát triển bền vững.
Đưa việc chống lãng phí vào quy chế làm việc từng cơ quan, đơn vịĐể nâng cao tính chủ động, tự nguyện, tự giác và xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội, dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí dự kiến sẽ quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời có quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Các vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí phải được đưa vào nội quy, quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, thay thế cho các chương trình tổng thể theo giai đoạn và hàng năm. Các bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động xây dựng Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm dựa trên Chiến lược quốc gia và thực tiễn của mình. Cùng với đó, các cơ chế nhận diện hành vi gây lãng phí, hành vi vi phạm và chế tài xử lý sẽ được xây dựng mạnh mẽ hơn. Dự thảo Luật quy định cụ thể các nhóm “hành vi gây lãng phí”, “hành vi vi phạm về tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí” và giao Chính phủ quy định chi tiết các hành vi này. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về việc miễn trừ trách nhiệm trong một số trường hợp nhất định, như cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và các trường hợp miễn trừ trách nhiệm khác theo pháp luật chuyên ngành. Luật sẽ quy định cụ thể trách nhiệm công khai một số thông tin về công tác tiết kiệm, chống lãng phí, bao gồm chương trình, kế hoạch; báo cáo kết quả; hành vi gây lãng phí và kết quả xử lý. Việc công khai sẽ bắt buộc theo một trong ba hình thức: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang thông tin điện tử, hoặc thông qua Cơ sở Dữ liệu quốc gia về tiết kiệm, chống lãng phí. |