Giá hàng hóa thiết yếu ổn định trong khi giá xăng, gas tăng

Giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 30/1, sớm hơn hai ngày so với chu kỳ thông thường. Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel đắt thêm 890 đồng, lên 22.520 đồng; dầu hỏa là 22.570 đồng (tăng 770 đồng) và dầu mazut là 13.930 đồng/kg, đắt thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.

Cùng đà tăng với giá xăng, do giá bình quân gas thế giới tăng hơn 192 USD/tấn, đẩy giá gas trong nước tăng vọt ngay sau Tết Nguyên đán. Mặt hàng này cũng tăng “sốc”, thêm 63.000 đồng/bình 12kg. Đây là lần tăng giá mạnh thứ 2 trong năm 2023.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trái chiều với đà tăng của giá xăng dầu, giá gas, hiện giá nhiều loại thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây tại thị trường đã trở về mức giá bình ổn. Sức mua cũng tăng nhẹ nhưng không bằng thời điểm trước Tết.

Giá nhiều loại rau xanh ổn định, như: xà lách 15.000 - 18.000 đồng/kg, củ cải trắng 14.000 - 15.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ, mướp đắng 25.000 - 30.000 đồng/kg, khoai môn 42.000 - 45.000 đồng/kg, rau cải xanh từ 6.000 - 10.000 đồng/mớ, cải cúc 5.000 đồng/mớ... Nguồn hàng về chợ đầu mối dồi dào, khiến giá rau xanh ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm sát Tết Nguyên đán.

Trong nhóm các hàng hóa thiết yếu, giá thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm ổn định, giá thịt lợn vẫn ở mức rất thấp. Từ tháng 1 năm nay, giá lợn hơi biến động tùy theo vùng miền khác nhau. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg, trong khi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng 2.000 đồng/kg, lên 51.000 - 54.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Nam tăng 1.000 đồng/kg, lên 51.000 - 54.000 đồng/kg.

Cần linh hoạt trong điều hành chính sách vĩ mô

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Đức Độ, trên thực tế lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi.

Nhiều yếu tố thuận lợi đảm bảo lạm phát năm 2023 trong mục tiêu

PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, năm 2023 có những thuận lợi trên đà phục hồi kinh tế 2022, đã tạo đà cho điều hành chính sách năm 2023, góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo tiền đề thuận lợi cho chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa… Theo vị chuyên gia này, với kinh nghiệm trong điều hành thời gian qua, cũng không quá lo ngại về lạm phát năm 2023, dù Quốc hội đã quyết tăng lạm phát năm nay lên 4,5% thay vì 4% như nhiều năm trước đó.

Dù vậy, nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát như giá cả thế giới vẫn còn biến động khó lường, áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến các quốc gia lớn trên thế giới có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ vọng lạm phát trong nước. Ngoài ra, một số chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân kết thúc vào ngày 31/12/2022, giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng giá trong năm 2023 theo lộ trình sau khi đã giảm hoặc giữ ổn định trong năm 2022 như giá điện, nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5%, cùng các mục tiêu khác, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Bên cạnh đó, phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý và vốn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi, giải quyết các tồn đọng... đều đòi hỏi thái độ dám chịu trách nhiệm trong điều hành.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.

Sớm dự báo các mặt hàng có thể thiếu hụt cục bộ

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong năm 2023 thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, giá điện), các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị phương án giá để điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 3,15% là do Chính phủ điều hành sát sao, kịp thời và quyết liệt. Các giải pháp về thuế, hỗ trợ và bình ổn giá, đảm bảo đủ nguồn cung đã phát huy hiệu quả trong hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. Điều này đã tạo dư địa trong điều hành năm 2023.

Để kiểm soát lạm phát mục tiêu khoảng 4,5% năm 2023, theo các chuyên gia kinh tế, trong điều hành cần bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng tổng cầu tăng, giảm áp lực lạm phát, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, tránh để tình trạng gây khan hiếm hàng, thiếu hàng.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Bích Lâm, cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. Các bộ, ngành, cần dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Đối với giá xăng, theo vị chuyên gia này, cần có kế hoạch, giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, Bộ Công thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể bảo đảm đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Đồng thời mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước. Đối với giá điện, Bộ Công thương cần dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp để cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào đối với từng quý trong năm 2023.

Năm 2023, sau nhiều năm không điều chỉnh, dư luận lo ngại việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý sẽ tác động lên lạm phát, do đó, cần đánh giá kỹ tác động của việc tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.