Nhiều thủ đoạn trong tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, từ đầu năm đến nay, các nước trên thế giới vẫn đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Một số cửa khẩu Quốc tế đã đóng cửa và các nước tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, người nhập cảnh chặt chẽ theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc giao thương, hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi.

Trong 11 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý: 13.413 vụ vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.554,7 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 270,42 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 29 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 155 vụ.

Thực tế cho thấy, với quyết tâm "tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Tổng cục Hải quan đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.

Nổi bật, liên quan đến công tác quản lý hàng kinh doanh, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, trước tình trạng các nước siết chặt quản lý tại các cửa khẩu, khu vực biên giới nói chung, một số lượng hàng hóa nhập khẩu vào nước ta theo hình thức tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan đã tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng và nhiều khu vực biên giới đường bộ các tỉnh phía Bắc.

Lực lượng Hải quan đã phát hiện một số vụ việc vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, khai báo không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng chủng loại hàng hóa. Một số lô hàng là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng, rác thải công nghiệp, hàng thực phẩm đông lạnh…có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bị thẩm lậu vào nội địa, gây mất an toàn cộng đồng.

Thực hiện kế hoạch kiểm soát hàng kinh doanh, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan có rủi ro cao, qua tiến hành kiểm tra 73 container của 04 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan, sau đó tái xuất qua các cửa khẩu biên giới đã phát hiện 71/73 container là container rỗng (không chứa hàng hóa) và chỉ 01 container là còn đầy đủ, 01 container hàng chỉ còn 02 tấn hàng.

Gần đây nhất, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ lô hàng quá cảnh từ Nhật Bản về Việt Nam, qua Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để tái xuất sang Lào..

Theo tờ khai, toàn bộ lô hàng gồm 44 dòng hàng mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử xuất xứ Nhật Bản, trọng lượng 24 tấn. Tuy nhiên, khi lô hàng vận chuyển đến khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tiến hành kiểm tra và phát hiện không có hàng hóa theo doanh nghiệp khai báo mà chỉ có một số thùng cacton giấy, thùng xốp và một số bao đất đá, lọ hoa, bát hương được xếp trong container. Đáng chú ý, Seal (chì) hải quan còn nguyên niêm phong, không có dấu vết bị cắt phá. Seal (chì) niêm phong của hãng tàu không có.

Lực lượng Hải quan: Căng mình chống buôn lậu dịp cao điểm cuối năm
Lực lượng Hải quan Quảng Trị bắt pháo lậu tại Lao Bảo. Ảnh: Tố Uyên

Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động quản lý hải quan, không bỏ lọt các hành vi vi phạm, bảo vệ môi trường kinh doanh chân chính, Trực ban Tổng cục đã tăng cường phân tích, xác định trọng điểm qua hệ thống thông tin nghiệp vụ, lựa chọn các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, nghi vấn, chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát trực tuyến qua hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị điện tử, cân điện tử, máy soi container,…Qua công tác trực ban đã phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu là hàng cấm; xuất khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, nhập khẩu hàng hóa không khai báo; khai báo sai số lượng, chủng loại, mã số, thuế suất để gian lận số tiền thuế phải nộp, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...

Theo thống kê, từ 16/12/2020 - 15/11/2021, Trực ban Tổng cục tiếp tục chỉ đạo 1589 tin báo. Qua đó, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,5 tỷ đồng, truy thu hơn 219 tỷ đồng, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 07 lô hàng vi phạm, tịch thu hàng hóa vi phạm, tiêu hủy tang vật vi phạm, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm nhiều lô hàng…

Trực ban các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện 897 tin báo, qua đó xử phạt gần 1,8 tỷ đồng, truy thu hơn 3,6 tỷ đồng; một số lô hàng vi phạm đã buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhiều vụ việc vi phạm vượt thẩm quyền đã được cơ quan Hải quan chuyển Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố kiến nghị xử phạt theo quy định.

Kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu sát với tình hình thực tế từng địa bàn, từng mặt hàng

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, nhất là dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường chỉ đạo, quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm đến các đơn vị nghiệp vụ; chủ động tổ chức lực lượng, tập trung nguồn lực, phương tiện nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; mặt hàng trọng điểm, rủi ro cao...

Cụ thể, các mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ vi phạm cao là hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như: ma túy, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo các loại, động vật hoang dã...; hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Đặc biệt là hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết: thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu, điện thoại di động, hàng may mặc...

Ngành Hải quan chủ động phối hợp chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển,…trong công tác đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm góp phần bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Đáng chú ý, ngành Hải quan xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn; tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm và tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, cơ quan Hải quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này./.