![]() |
Thị trường tài sản mã hóa đã và đang tạo ra một lớp tài sản mới với tiềm năng to lớn. Ảnh minh họa |
PV: Chính phủ đang giao Bộ Tài chính gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số và có lộ trình vận hành thí điểm sàn giao dịch tài sản số. Theo ông, khung pháp lý cần xây dựng dựa trên những cơ sở cốt lõi nào để lĩnh vực giàu tiềm năng này vận hành ổn định, an toàn?
![]() |
Ông Nguyễn Văn Được: Việc xây dựng khung pháp lý để quản lý thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam là hết sức cần thiết với hai mục tiêu chính.
Đầu tiên, từ những đặc trưng kỹ thuật của tiền mã hóa thì khung pháp lý cần định danh được đây là một loại tài sản, phân loại tài sản, hình thức và giao dịch ra sao, quyền sở hữu và các vấn đề pháp lý phát sinh có liên quan như thế nào để từ đó tiếp tục xây dựng các cơ chế kiểm soát phù hợp…
Tiếp theo, khung pháp lý nên được thiết kế, xây dựng dựa trên các mục tiêu như: Quản lý thuế; bảo vệ nhà đầu tư; phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đảm bảo an ninh mạng và an toàn hệ thống; tạo điều kiện phát triển lành mạnh và sáng tạo; phân định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý…
Theo đó, để bảo vệ được nhà đầu tư, khung pháp lý cần đưa ra quy định rõ ràng để yêu cầu các tổ chức phát hành, giao dịch tài sản mã hóa phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin về dự án, rủi ro, đội ngũ phát triển và các yếu tố liên quan khác để phục vụ cho công tác quản lý.
Đồng thời, cần thiết lập các quy tắc rõ ràng về quy trình chào bán lần đầu ra công chúng hoặc các hình thức huy động vốn tương tự, bao gồm yêu cầu về hồ sơ pháp lý, đánh giá dự án và giới hạn đối tượng tham gia để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khung pháp lý cũng cần đưa ra quy định yêu cầu các nền tảng giao dịch và tổ chức liên quan phải hiển thị rõ ràng các cảnh báo về mức độ rủi ro cao của thị trường tài sản mã hóa.
Để phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, khung pháp lý cần yêu cầu các nền tảng giao dịch phải có hệ thống giám sát giao dịch để phát hiện và báo cáo các giao dịch có dấu hiệu rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố…
Để phục vụ công tác quản lý thuế, khung pháp lý cần phân loại rõ ràng các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa chịu thuế (ví dụ: lợi nhuận từ giao dịch, khai thác, cho vay, staking) và xác định đối tượng nộp thuế. Đồng thời, cần hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu về quy trình kê khai và nộp thuế đối với thu nhập từ tài sản mã hóa.
Từ những phân tích nêu ra ở trên, việc xây dựng một khung pháp lý toàn diện và hiệu quả cho thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn rộng rãi và cách tiếp cận cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư, phòng chống rủi ro và tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.
PV: Thị trường tài sản mã hóa đang thu hút sự quan tâm lớn từ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ đối diện với thách thức gì trong quản lý thuế tài sản mã hóa, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Được: Thị trường tài sản mã hóa đã và đang tạo ra một lớp tài sản mới với tiềm năng to lớn, đồng thời đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý thuế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc quản lý thuế đối với tài sản mã hóa không chỉ là vấn đề thu ngân sách mà còn liên quan đến sự minh bạch, công bằng và ổn định của hệ thống tài chính.
Công tác quản lý thuế của chúng ta đang đối diện với 5 thách thức. Thách thức thứ nhất là tính phức tạp và đa dạng của tài sản mã hóa. Bởi thị trường tiền điện tử vô cùng đa dạng với hàng ngàn loại tiền mã hóa khác nhau, các giao dịch phức tạp như giao dịch phái sinh, cho vay, đặt cược... Do đó, việc xác định bản chất pháp lý và giá trị kinh tế của từng loại giao dịch để áp dụng thuế một cách chính xác là một thách thức không nhỏ.
Thách thức thứ hai là hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh và cụ thể để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa. Việc chưa có khung pháp lý rõ ràng này đang gây khó khăn cho cả cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ thuế và cho người sở hữu tài sản mã hóa trong việc tuân thủ pháp luật.
Thách thức thứ ba là bắt nguồn từ việc theo dõi và xác định giao dịch. Bởi đặc thù các giao dịch tài sản mã hóa thường được thực hiện trên các sàn giao dịch xuyên biên giới và ẩn danh tương đối, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc theo dõi dòng tiền, xác định chủ sở hữu và giá trị giao dịch.
Thách thức thứ tư là vấn đề định giá. Giá trị của tài sản mã hóa biến động rất lớn và thường xuyên, gây khó khăn trong việc xác định thời điểm và phương pháp định giá phù hợp cho mục đích tính thuế.
Thách thức thứ năm là nhận thức và tuân thủ của người dân. Nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về nghĩa vụ thuế liên quan đến tài sản mã hóa, dẫn đến tình trạng trốn thuế hoặc kê khai không đầy đủ.
Còn về cơ hội, khi chúng ta nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hoàn thiện được khung pháp lý để quản lý tài sản mã hóa, việc đánh thuế hiệu quả có thể tạo ra một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Khi có một khung pháp lý rõ ràng về thuế sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường tài sản mã hóa, giảm thiểu các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các quy định về thuế đối với tài sản mã hóa. Việc Việt Nam có khung pháp lý phù hợp sẽ giúp nước ta hội nhập và không bị tụt hậu trong lĩnh vực này.
PV: Theo ông, đâu là giải pháp để quản lý thuế hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Được: Để quản lý thuế tài sản mã hóa hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về định nghĩa tài sản mã hóa, các loại giao dịch chịu thuế, đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế và kê khai nộp thuế.
Cần tham khảo ngay kinh nghiệm từ các quốc gia đã có khung pháp lý về thuế tài sản mã hóa, đồng thời đẩy mạnh việc hợp tác trong việc trao đổi thông tin và ngăn chặn trốn thuế xuyên biên giới.
Cần nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như phân tích chuỗi (blockchain analytics) để theo dõi và xác định các giao dịch tài sản mã hóa. Đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế tài sản mã hóa để người dân hiểu rõ nghĩa vụ và tự giác tuân thủ.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thuế cũng cần nâng cao năng lực cho cán bộ thuế về kiến thức và kỹ năng liên quan đến tài sản mã hóa. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư pháp…, trong việc quản lý và giám sát thị trường tài sản mã hóa./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hướng tới thị trường tài sản mã hóa minh bạch, bền vững “Công tác quản lý thuế tài sản mã hóa là một nhiệm vụ phức tạp nhưng vô cùng cần thiết trong bối cảnh thị trường này ngày càng phát triển. Việc hoàn thiện một khung pháp lý rõ ràng, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn Việt Nam không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần tạo ra một thị trường tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững” - ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín. |