Chống thất thu thuế hộ, cá nhân, tạo sự công bằng trong kinh doanh
Cơ quan thuế đang nỗ lực tìm giải pháp quản lý đầy đủ nguồn thu, nhằm chống thất thu thuế. Ảnh minh họa

Đưa thêm 61.329 hộ kinh doanh vào quản lý qua bản đồ số

Thông tin về kết quả quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, đại diện Cục Thuế cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai bao gồm 1.975.373 hộ nộp thuế theo hình thức khoán; 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai. Số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai bản đồ số hộ kinh doanh là 61.329 hộ kinh doanh.

Mức thuế khoán bình quân tháng 3/2025 là 672,3 nghìn đồng/tháng/hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Số thuế kê khai bình quân tháng 3/2025 là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: TP. Hà Nội ước thu đạt 1.455 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh ước thu đạt 3.095 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Thuế, nguyên nhân thu ngân sách đạt khá so với tiến độ và tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu do trong những tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.137 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (thu từ thuế giá trị gia tăng của hộ, cá nhân kinh doanh ước đạt 4.923 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,27% so với cùng kỳ.

Để quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, ngày 28/2/2025, Cục Thuế đã ban hành Đề án 420 về đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý thuế hộ kinh doanh và ban hành văn bản số 108/CT-TMĐT chỉ đạo các chi cục thuế khu vực tăng cường triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Đặc biệt, Cục Thuế đã tham mưu trình Bộ Tài chính có văn bản lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh và đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, có văn bản gửi Bộ Công an để phối hợp triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đề nghị trao đổi dữ liệu về giám sát hành trình, camera giám sát, phòng cháy chữa cháy, cơ sở dữ liệu cư trú.

Cần giải pháp đột phá quản lý, tránh bị “lách luật” để trốn thuế

Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, ngày 29/3/2025 vừa qua, Cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 20 chi cục thuế khu vực.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn, kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, nhất là so với yêu cầu theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cần phải có giải pháp chính sách có tính đột phá về phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ nhằm hạn chế tối đa thủ đoạn “lách luật” để trốn thuế, gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, chính sách thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thường được áp dụng theo hình thức “thuế khoán” đã đạt được yêu cầu mục đích rất nhân văn của Nhà nước. Đó là, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển để làm giàu cho chính mình và hỗ trợ một bộ phận lao động tự do có công ăn việc làm ổn định, hạn chế được vấn nạn thất nghiệp trong một bộ phận người dân.

Tuy nhiên hiện nay, kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đã và đang có những bước tiến và sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng chứng minh tầm ảnh hưởng, sức mạnh vượt trội hơn so với hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống. Điều này đã đặt ra cho cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế những thách thức không hề nhỏ bởi sự đa dạng và số đông của đối tượng tham gia.

Lãnh đạo Cục Thuế cho rằng, việc triển khai quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải được làm quyết liệt. Đối với ngành Thuế, bên cạnh công tác quán triệt chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện với quyết tâm cao thì việc nghiên cứu thực tiễn và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để đưa ra những giải pháp quản lý thuế hiệu lực, hiệu quả cần được chú trọng. Từ đó giúp chống thất thu ngân sách nhà nước, nhưng cũng phải đảm bảo giúp các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh có được môi trường phát triển bình đẳng, minh bạch.

Phó Cục trưởng Mai Sơn cũng yêu cầu, ngay trong tháng 4/2025, cơ quan thuế các cấp cần hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý. Đồng thời, phối hợp với các Ban nghiệp vụ của Cục Thuế để làm sạch cơ sở dữ liệu mã số thuế cá nhân và đưa vào sử dụng ngay. Các chi cục thuế khu vực báo cáo ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành để Cục Thuế chỉ đạo kịp thời giải pháp tháo gỡ, tuyệt đối không vì bất cứ lý do gì làm chậm trễ việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Phát triển các ứng dụng quản lý thuế

“Trong thời gian tới, toàn ngành Thuế tăng cường triển khai công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với quyết tâm cao và cách làm khoa học, bài bản thông qua những nghiên cứu nghiêm túc về thực tiễn quản lý, tận dụng tối đa những tiến bộ của khoa học công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) để phát triển các ứng dụng quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng eTax Mobile”. Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế