![]() |
Chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm trên 53 - 57% GDP Việt Nam, tức cầu nội địa là động lực chính của tăng trưởng. Ảnh: Lê Toàn |
Cơ hội cho tiêu dùng nội địa lên ngôi
Tại cuộc Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" diễn ra ngày 25/4, nhiều ý kiến khằng định, thời điểm Hoa Kỳ giãn thuế là cơ hội để Việt Nam quay lại củng cố, phát triển thị trường nội địa và hàng Việt lên ngôi.
Tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khả quanTheo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), quý I/2025 thị trường nội địa ghi nhận những tín hiệu khả quan, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 18,3%. |
Ở góc độ doanh nghiệp, đánh giá tác động của thuế đối ứng, ông Trần Anh Thắng - thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam cho rằng, thuế quan của Hoa Kỳ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Cụ thể, khi hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, hàng Việt có thể được ưu tiên hơn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa nếu nguồn cung và chất lượng đảm bảo. Vì vậy, đây là thời điểm "vàng" để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt.
Ông Thắng khuyến nghị cần thúc đẩy cầu nội địa để củng cố trụ cột tăng trưởng bền vững này. Chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm trên 53 - 57% GDP Việt Nam, tức cầu nội địa là động lực chính của tăng trưởng.
Về cơ quan nhà nước, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, với quy mô hơn 100 triệu dân, thị trường nội địa đang và sẽ tiếp tục là điểm tựa chiến lược cho tăng trưởng và ổn định kinh tế quốc gia.
Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với 3 phần đóng góp chính là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60 - 65% tùy từng năm.
“Như vậy, để đạt tăng trưởng GDP, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức. Qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch Covid-19. Ngoài ra, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái” - ông Tuấn nêu rõ.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, với các rào cản thương mại quốc tế gia tăng, việc phát triển thị trường trong nước không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế mà còn nâng cao năng lực nội sinh, củng cố tinh thần tự lực, tự cường.
Ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu
Phó Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng chia sẻ, với tình hình trong nước và quốc tế, dựa trên dự thảo Kế hoạch tổng thể và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chiến dịch truyền thông quốc gia; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với chính sách tài chính ưu đãi. Bộ Công thương đề xuất các cơ quan chức năng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao…
Bộ Công thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung - cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý. Hướng dẫn các địa phương triển khai các kế hoạch dự trữ và phân phối hàng hóa thiết yếu, phối hợp với doanh nghiệp để bảo đảm nguồn cung ổn định trong các giai đoạn cao điểm.
“Các giải pháp này sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, duy trì giá cả ổn định và tạo điều kiện để doanh nghiệp vận hành hiệu quả, củng cố niềm tin của người tiêu dùng” - ông Tuấn khẳng định.
Để phát triển thị trường nội địa, các chuyên gia cũng nhấn mạnh nhất thiết phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối, nâng cấp kết cấu hạ tầng…
GS-TSKH. Nguyễn Mại cho hay, Việt Nam có hơn 100 triệu dân, là một thị trường hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chính sách thị trường trong nước lại ít được quan tâm.
“Cách đây 15 năm là ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cách tiếp cận như vậy hiện nay không thích hợp. Ví dụ, ở Nhật Bản, hàng tốt nhất là người Nhật tiêu dùng, như thế họ mới cố gắng sản xuất tốt hơn nữa. Tóm lại, nên thay đổi cách tiếp cận, ưu tiên hàng Việt Nam bằng cách khuyến khích việc sản xuất cho người Việt Nam sử dụng sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý” - ông Nguyễn Mại nói.
Vị chuyên gia này đưa ra một số giải pháp về chính sách để củng cố thị trường nội địa. Trước tiên, đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu và dự báo biến động thị trường. Doanh nghiệp cần có chiến lược hình ảnh và thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp… Đây là những giải pháp cần thiết, giúp thị trường trong nước không chỉ hấp dẫn với người Việt Nam, doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài./.