doanh nghiệp nhà nước

Theo quy định của dự thảo, lợi nhuận DN tăng thì mức tiền lương bình quân tăng, lợi nhuận giảm thì tiền lương cũng giảm. Ảnh minh họa

Thua lỗ nhưng “sếp” vẫn được trả lương cao

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, qua tổng hợp số liệu của một số công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước cho thấy, sau khi chuyển đổi mô hình từ 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần nhìn chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty đều giữ ổn định và có tăng trưởng, tiền lương của người lao động có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, hầu hết công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước chưa xây dựng được chính sách tiền lương phù hợp với điều kiện cụ thể, gắn với năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hài hoà lợi ích của cổ đông, nhà nước và người lao động.

Nhiều trường hợp lợi nhuận, năng suất lao động giảm nhưng tiền lương của người lao động và người quản lý vẫn tăng. Bên cạnh đó, các công ty thường quyết định tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người quản lý (trong đó có người đại diện vốn Nhà nước) quá cao, tạo sự bất hợp lý so với hiệu quả sản xuất kinh doanh, chênh lệch quá mức so với người lao động trong nội bộ công ty, cũng như so với công ty nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tổng hợp số liệu của 345 công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước năm 2013 (chủ yếu công ty có quy mô nhỏ và vừa) cho thấy, tiền lương bình quân của người lao động từ 10 - 11 triệu đồng/tháng; người quản lý bình quân khoảng 25 - 26 triệu đồng/tháng, gấp 2,3 - 2,5 lần mức lương bình quân người lao động.

Công ty có quy mô lớn, làm ăn có hiệu quả thì trả mức lương khoảng 70 - 90 triệu đồng/tháng, cá biệt có trường hợp trả 155 triệu đồng/tháng, gấp nhiều lần mức bình quân chung của người lao động và người quản lý của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang bị khống chế mức trần tối đa khoảng 40 - 45 triệu đồng/tháng.

Thậm chí có công ty hiệu quả không cao, thậm chí lỗ nhưng vẫn trả lương cho người quản lý 45 triệu đồng/tháng, gấp 14 lần mức lương 3 triệu đồng/tháng của người lao động.

Từ thực tế nêu trên Bộ này kết luận, hiện nay đang thiếu cơ chế quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, trong khi phần lớn các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo lộ trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Khi đó cần phải có cơ chế quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng riêng, phù hợp với mô hình công ty đa sở hữu vốn và để quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng của công ty gắn với năng suất lao động, nâng cao kết quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước và các cổ đông, thành viên góp vốn.

Khống chế mức trần không quá 100 triệu đồng/tháng

Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết đang dự thảo lấy ý kiến công khai Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Đáng chú ý dự thảo này đã có những quy định chặt chẽ nhằm “siết” lại việc trả lương, thưởng tùy tiện tại các DNNN. Theo đó, dự thảo yêu cầu quỹ tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở số người quản lý, mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với lợi nhuận kế hoạch và bảo đảm tương quan với mức tiền lương của người lao động.

Trong đó, lợi nhuận kế hoạch tăng so với thực hiện năm trước thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tăng so với thực hiện năm trước; lợi nhuận kế hoạch giảm thì mức tiền lương bình quân kế hoạch giảm so với mức tiền lương bình quân thực hiện năm trước liền kề.

Sau khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch theo quy định trên thì mức tối đa chia theo 3 loại quy mô lợi nhuận và 5 loại mức lương của người lao động, gồm:

Lợi nhuận dưới 500 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân của người quản lý từ 5 - 9 lần mức lương của người lao động, nhưng không quá 40 - 80 triệu đồng/tháng; lợi nhuận từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân của người quản lý không quá 45 - 80 triệu đồng/tháng; lợi nhuận từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 2.000 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân của người quản lý không quá 55 - 95 triệu đồng/tháng; lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng thì tiền lương bình quân không quá 60 - 100 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quy định trên đảm bảo mức lương của cán bộ quản lý tương quan hợp lý với mức lương trên thị trường của các doanh nghiệp đang trả cho các chức quản quản lý, hiện phổ biến từ 45 - 70 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao đang trả từ 70 - 120 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu quỹ tiền lương thực hiện được xác định căn cứ quỹ tiền lương kế hoạch và mức độ hoàn thành lợi nhuận kế hoạch, trong đó lợi nhuận thực hiện cao hơn kế hoạch thì mức tiền lương bình quân tăng thêm tối đa 15% kế hoạch; mức thù lao của viên chức quản lý không chuyên trách tối đa bằng 20% mức tiền lương của người quản lý.

Quỹ tiền thưởng từ lợi nhuận hằng năm sau khi thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, các thành viên góp vốn không vượt quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện, nếu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh; không trích thưởng nếu không hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh./.

Bùi Lan