Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu.
Cắt giảm 30% thủ tục hành chính
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo đã cơ bản kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện quy định để giải quyết bất cập, vướng mắc của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2015 (Luật số 69).
![]() |
Phiên họp của UBTVQH chiều 17/4 |
Dự thảo quy định theo hướng kết quả, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá tổng thể theo nhiệm vụ, mục tiêu, đặt trong bối cảnh của ngành, lĩnh vực hoạt động và thị trường; thực hiện nguyên tắc đặt hàng đối với những nhiệm vụ chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh do Nhà nước giao và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. |
Đồng thời, dự thảo đã giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; minh bạch hơn hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước gắn với chuyên đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình về hoạt động của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật đã cắt giảm 7/24 (khoảng gần 30%) thủ tục, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo quy định rõ đối tượng áp dụng dự thảo Luật gồm các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Riêng Ngân hàng chính sách không thuộc đối tượng áp dụng của Luật do Ngân hàng chính sách do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành.
Dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm “người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phân, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”. Quy định này đã bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo đúng Kết luận số 4348/TB-TTKQH của UBTVQH “đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, góp vốn”.
Dự thảo Luật cũng kế thừa Luật số 69 về việc doanh nghiệp F1 quản lý doanh nghiệp F2 có vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định về quản lý doanh nghiệp F2. Tuy nhiên, không quy định đối tượng áp dụng gồm người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty TNHH.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 17/4. |
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Văn Mãi, Thường trực Uỷ ban Kinh tế và Tài chính thống nhất với cách tiếp cận này và cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật số 69 về phạm vi đầu tư vốn vào doanh nghiệp; thể chế hóa lĩnh vực, ngành nghề theo Nghị quyết số 12/NQ-TW.
Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm lãnh đạo của Đảng, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước, gồm: doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu phát triển, theo chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ.
Doanh nghiệp tự quyết, tự chịu trách nhiệm việc vay vốn, trả nợ
Thay đổi căn bản so với Luật trước đây Theo cơ quan thẩm tra, việc phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch kinh doanh hằng năm là sự thay đổi căn bản so với Luật số 69. Quy định này tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ trong phê duyệt chiến lược và kế hoạch hiện nay. |
Về chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hàng năm, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hằng năm như sau: Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt mục tiêu, định hướng, một số chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược kinh doanh 5 năm và một số chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 53 và quy định của Chính phủ. Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty ban hành chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để tăng cường phân quyền và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn.
Theo Chủ nhiệm Phan Văn Mãi, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với quy định này vì phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW. Quy định tại dự thảo cơ bản bảo đảm nguyên tắc vay vốn khi có phương án sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ và biện pháp bảo đảm khoản vay và phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự.
Đồng thời, sẽ tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp do doanh nghiệp thành lập hoặc đầu tư vốn có thể tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tại dự thảo Luật cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định biện pháp quản lý chặt chẽ về kiểm tra, giám sát. Đồng thời, làm rõ trường hợp công ty do doanh nghiệp nắm dưới 50% vốn điều lệ vay vốn khi có phương án sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ và biện pháp bảo đảm khoản vay có được vay không... nhằm phòng chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn…/.