Giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định

Theo Bộ Tài chính, trong 11 tháng của năm 2022, thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, do chịu tác động từ diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thế giới, giá một số hàng hóa trong nước như nguyên nhiên vật liệu, năng lượng,... có xu hướng tăng giá từ cuối quý I, quý II, ổn định trở lại trong quý III và dự báo sẽ có xu hướng tăng nhẹ trở lại vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát.

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nguồn cung vẫn dồi dào.
Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nguồn cung vẫn dồi dào.

Việc quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như: giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công; giá dịch vụ giáo dục. Đáng chú ý, giá xăng dầu được điều hành sát với diễn biến giá thế giới nhưng với mức tăng thấp hơn nhờ sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá kết hợp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, kịp thời giúp bình ổn giá xăng dầu trong nước, đồng thời giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Ở thời điểm này, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nguồn cung vẫn dồi dào. Giá thịt lợn hiện giảm so với thời điểm trước đó. Rau xanh ở khu vực miền Bắc do đang vào mùa vụ tương đối dồi dào nên giá cả ổn định. Đây là những mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI và hiện nay chúng ta vẫn chủ động được trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, do đó giá cả ổn định sẽ góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng trong tháng cuối năm.

Lo ngại "đến hẹn lại lên", giá tăng dịp Tết

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thời điểm cuối năm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau, dự báo giá cả sẽ tăng theo quy luật, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Giá năng lượng dự báo vẫn biến động phức tạp khó dự đoán khi các căng thẳng chính trị chưa có dấu hiệu được cải thiện. Nhu cầu hàng hóa thế giới cũng sẽ có nhiều biến động khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-Covid và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn hiện đang ổn định nhưng dự báo có thể biến động tăng thời điểm dịp Tết cận kề nếu nguồn cung không được đảm bảo. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch cũng dự báo sẽ có sự hồi phục trở lại.

Thời điểm cuối năm 2022 và tháng 1/2023, dự báo khu vực phía Bắc có nhiều đợt rét đậm, rét hại, có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu, nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.

Áp lực lạm phát có thể từ đầu năm 2023

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 có nhiều dư địa để kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 4%, tuy nhiên lạm phát lũy kế CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 dự kiến sẽ ở mức cao, từ đó tạo áp lực cho lạm phát bình quân năm 2023 ngay từ đầu năm sau.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đó là các yếu tố cơ quan quản lý phải tính toán đến và thận trọng trong điều hành, không để tác động lớn tới CPI cả năm 2022, gây áp lực lên điều hành giá năm 2023. Trên thực tế, các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó các chính sách về miễn, giảm thuế, gia hạn thuế sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Một trong những yếu tố thuận lợi trong quá trình điều hành hiện nay, đó là những bài học kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua và thời gian tới đã góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Bình ổn thị trường tháng cuối năm và dịp Tết

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Bộ trưởng đề nghị sở tài chính các tỉnh, cơ quan thuế, hải quan... theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, theo sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết.

Đến thời điểm này có thể khẳng định thành công trong điều hành lạm phát năm 2022 của Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm 2022 dự báo tăng lên mức 8,8% (cao hơn so với mức 8,3% dự báo vào tháng 7/2022).

Trong bức tranh ảm đạm và nhiều thách thức của kinh tế toàn cầu, mặc dù Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng nhờ vào những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bối cảnh mới của thế giới sẽ tạo nhiều thách thức, khó khăn cho kinh tế Việt Nam. Áp lực lạm phát thế giới gây sức ép cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước, tạo ra nhiều khó khăn cho việc triển khai gói phục hồi theo kế hoạch đã đề ra của Chính phủ. Giá cả năng lượng, nguyên nhiên vật liệu tăng cùng việc đồng USD tăng giá tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát. Điều này tạo nên rủi ro nhập khẩu lạm phát do cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng giá lương thực trên thế giới vẫn đang tiếp diễn.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao, vừa tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước; đặc biệt tại các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu.