Minh bạch giá để ngành mía đường phát triển bền vững
Minh bạch giá để ngành mía đường phát triển bền vững. Ảnh: TL

Ngày 21/1/2022, Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo "Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam".

Chi phí sản xuất 1 tấn đường trắng ở Việt Nam cao hơn Philippines, Thái Lan

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Vinh Quang - Tổ chức Forest Trends cho biết, theo số liệu điều tra về tổng chi phí sản xuất mía đường do Công ty tư vấn LMC của Anh thực hiện tại 22 khu vực thuộc 8 quốc gia trồng mía trên thế giới từ vụ 2000/2001 đến vụ 2018/2019, Việt Nam có mức chi phí sản xuất 1 tấn đường cao hơn Philippines và Thái Lan, nhưng thấp hơn so với Indonesia và Trung Quốc.

Cụ thể, trong giai đoạn 2014/2015 - 2018/2019 (2 vụ), tổng chi phí sản xuất 1 tấn đường trắng ở Việt Nam cao hơn Philippines từ 43,3 - 105,6 USD, cao hơn Thái Lan từ 116,4 - 241,6 USD; nhưng thấp hơn Indonesia trung bình từ 17,8 - 121,4 USD và thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc từ 331,8 - 511,7 USD...

Cùng với áp lực chi phí sản xuất cao, việc chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi cung của mía đường hiện đang mất cân đối nghiêm trọng. Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết thêm, người trồng mía có vai trò quan trọng nhưng lợi ích nhận được ít nhất. Cụ thể, nhóm hộ trồng mía chỉ nhận được dưới 11% trong tổng lợi nhuận từ chuỗi, tiếp đến là các nhà máy đường; gần một nửa (gần 44%) lợi nhuận rơi vào khâu phân phối... Điều này không tạo được động lực cho người trồng mía tại Việt Nam tham gia sản xuất.

Là một trong hơn 120 hộ nông dân trồng mía, ông Hồ Thành Biên – nông dân trồng mía ở Tây Ninh khẳng định, trong chuỗi sản xuất đường, nông dân là then chốt nhưng lợi ích nông dân được hưởng rất thấp. Người trồng mía luôn thiệt thòi, không biết thực sự giá trị sản phẩm được bao nhiêu vì các nhà máy không cho biết điều đó.

"Hiện nay có những nhà máy thu mua chưa tới 1 triệu đồng/1 tấn mía sau đo đạc. Mức độ chênh lệch trữ lượng mía đường giữa nhà máy đường và hộ trồng mía đem phân tích chênh lệch từ 1,8-4,6 trữ lượng mía đường là con số đáng báo động" - ông Hồ Thành Biên nói.

Ông Hồ Thành Biên cho rằng, các nhà máy tính giá thu mua mía chỉ dựa theo giá đường. Sản phẩm sau đường được bao nhiêu thì các doanh nghiệp không công khai mà nông dân lại không biết được. Nếu các nhà máy cứ lấy lợi nhuận của mình đặt lên hàng đầu thì ngành mía đường sẽ không thể phát triển bền vững.

Minh bạch, chia sẻ lợi nhuận rõ ràng

Để ngành mía tồn tại bền vững, ông Hồ Thành Biên cho rằng, các nhà máy nên minh bạch, chia sẻ lợi nhuận rõ ràng, minh bạch trữ đường để nông dân có niềm tin vào cây mía.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Vinh Quang cho rằng, năng lực sản xuất mía đường ở Việt Nam vẫn cần cải thiện hơn nữa ở tất cả các khâu từ đồng ruộng đến nhà máy, đặc biệt là khâu chế biến đường và khâu quản lý sản xuất mía đường để tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Ông Đào Thế Anh- Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng nhấn mạnh, ngành đường tồn tại được phải xác định đa giá trị, chứ không chỉ có sản phẩm từ đường. Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số để minh bạch thông tin. Doanh nghiệp nên minh bạch thu nhập từ phụ phẩm chứ không chỉ từ đường. Nếu không có nông dân thì cũng không có các sản phẩm từ phụ phẩm đó.

Với chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, theo ông Đào Thế Anh, ngành mía đường cần áp dụng công nghệ, minh bạch thông tin hơn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần có vai trò trong việc giám sát, xác định trữ đường.

Ngoài ra, ngành mía đường Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh với đường Thái Lan thông qua việc cần thêm các cơ chế, chính sách của nhà nước, các vùng nguyên liệu cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa.../.