Sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách Trên 1.300 tỷ đồng xây dựng loạt dự án truyền tải điện quan trọng 1,3 tỷ USD vốn ODA được đầu tư vào các dự án truyền tải điện Tìm giải pháp về vốn cho các dự án ngành điện

Tháo tắc nghẽn giữa nguồn điện và mạng lưới truyền tải

Cụ thể, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” và “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ. Các thành phần kinh tế khi tham gia đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện có quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện, theo quy định tại Điều 40 của luật này. Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và khách hàng sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo đúng quy hoạch phát triển điện lực”.

Trình bày tại phiên họp sáng 8/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Điện lực, nhằm tháo gỡ ách tắc, giải phóng nguồn năng lượng.

Hiện nay, về đầu tư về nguồn điện, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm 49%, 51% còn lại là các dự án tư nhân. Trong khi đó, theo Luật Điện lực, Nhà nước độc quyền về truyền tải điện, do đó nếu không mở cửa cho tư nhân vào truyền tải điện thì áp lực giải tỏa điện năng hiện có ở các dự án vận hành là rất khó khăn.

Đơn cử ở một số vùng miền Trung, miền Đông Nam Bộ, nguồn lớn, phụ tải rất thấp, có nơi chỉ đáp ứng 4 – 5% công suất nguồn. Trong khi đó, nhu cầu điện sắp tới rất lớn, khả năng thiếu điện vài năm tới là rõ ràng. Nếu không khẩn trương đầu tư truyền tải thì một mặt không giải tỏa được năng suất hiện có, mặt khác không thu hút được tư nhân đầu tư nguồn để tăng nguồn điện cho tương lai. “Nếu không sửa ngay, sức ép giải tỏa công suất và sức ép nhu cầu điện năng của đất nước là vô cùng căng thẳng” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định rõ chủ thể thuộc các thành phần kinh tế được tham gia hoạt động truyền tải điện. Tuy nhiên, các cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề chưa được nêu cụ thể như: vấn đề đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải; phân định phạm vi giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong hoạt động quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia; về quyền, nghĩa vụ của các đơn vị truyền tải điện thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là đối với hoạt động vận hành lưới điện; về kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, bảo đảm yêu cầu an toàn hệ thống điện cũng như quốc phòng.

Về chính sách giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy cần xem xét sửa đổi quy định về giá điện và các loại phí có liên quan đến hoạt động điện lực; tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nên cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Nhà nước vẫn nắm giữ các công trình huyết mạch

Làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, dự thảo cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải. Tuy nhiên với dự án điện quan trọng quốc gia được xác định trong Luật Điện lực, Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành. Nhà nước sẽ đầu tư các công trình lưới điện huyết mạch là các đường dây cao áp 500 kV và siêu cao áp 800 kV, còn dưới mức đó thì cho phép tư nhân tham gia đầu tư. Đồng thời, Nhà nước vẫn độc quyền trong điều độ, vận hành.

Đối với cơ chế xã hội hoá hoạt động truyền tải điện, theo dự thảo luật, các thành phần kinh tế khi tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thì có quyền, nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện hiện nay, bao gồm có đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động truyền tải điện. Việc thu hồi chi phí, xác định doanh thu của đơn vị truyền tải điện được xác định thông qua giá truyền tải điện và quy định rõ tại Luật Điện lực và các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Về vai trò quản lý của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Nhà nước vẫn giữ độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia như Luật Điện lực hiện hành quy định. Nhà đầu tư khi tham gia với vai trò đơn vị truyền tải điện sẽ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, đầu tư xây dựng và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền. Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư lưới điện truyền tải phải cho phép các chủ thể khác được quyền đấu nối vào lưới điện truyền tải do chính họ được giao thực hiện.

Nếu chính sách này được triển khai, giá thành điện đến người dân không phát sinh thêm chi phí. Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, thu hút đầu tư từ trong và ngoài nước, quy định này còn giúp các DNNN trong lĩnh vực điện lực giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải với các dự án đã được giao cho tư nhân thực hiện. Ước tính sơ bộ theo vốn đầu tư ở mức thấp, nếu chỉ đầu tư cho 10 trạm biến áp, 1000 km đường dây thì sẽ giảm áp lực đầu tư cho DNNN trong lĩnh vực truyền tải điện khoảng 11.000 tỷ đồng một năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.