Đẩy giá lên trời, giá rơi xuống đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã phải lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) không lâu sau vụ bỡn cợt của tập đoàn Tân Hoàng Minh trong cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm. Tại phiên chấn vấn này, dồn dập các bức xúc của đại biểu quốc hội (QH) về đẩy giá lên trời, giá rơi xuống đất. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu lên ma trận trong đấu giá, nào là bắt tay ngầm, nào là nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc. Nhưng đến Tân Hoàng Minh thì không những không âm thầm mà còn rầm rầm bỏ cọc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ trì cuộc làm việc với Ban chỉ đạo trung ương Tổng kết Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, ngày 12/4/2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ trì cuộc làm việc với Ban chỉ đạo trung ương Tổng kết Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, ngày 12/4/2022.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) thì tính toán số tiền mà Tân Hoàng Minh bỏ cọc không đáng gì so với việc giá đất ở khu vực xung quanh bị đẩy lên. “Tôi đã nghiên cứu và thấy doanh nghiệp này bỏ cọc hơn 588 tỷ đồng, không đáng là bao so với hệ lụy gây ra cho thị trường bất động sản và lẽ ra tập đoàn này phải chịu phạt ở mức là 4.900 tỷ đồng hoặc thậm chí là nhiều hơn”- bà Xuân quả quyết - “nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra các con số ở mức như vậy”.

Bổ sung thêm vào “ma trận”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhắc đến tình trạng “quân xanh quân đỏ không chỉ thổi giá mà còn dìm giá, hết sức bức xúc, hết sức nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản của Nhà nước và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế”. Nhưng ông Hà thấy quy định pháp luật có nhiều nhưng chưa chặt.

Một lần bỏ cọc, soi chiếu ba luật
Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai nhằm quản lý, sử dụng đất hiệu quả hơn.

Về góc độ Luật Đất đai thì mới quy định về điều kiện các doanh nghiệp tham gia đấu giá nhưng chưa quy định các điều kiện đó cụ thể thế nào, đặc biệt là vấn đề thể hiện năng lực của doanh nghiệp. Hoặc trong trường hợp giá mặt bằng, giá khởi điểm với vấn đề phát sinh đấu giá tăng lên nhiều lần thì như thế nào là một cuộc đấu giá bình thường, như thế nào là một cuộc đấu giá không bình thường, cũng chưa có quy định rõ. Hoặc những chế tài mạnh mẽ hơn để cho doanh nghiệp bỏ cọc sau đó sẽ không được tham gia các cuộc đấu giá khác và phải chịu mức phạt đủ sức răn đe thì cũng phải chờ pháp luật quy định…

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đấu giá tài sản là một câu chuyện giao dịch mua bán hết sức bình thường và phổ quát ở trong nền kinh tế thị trường. Thực tế tại các nước về giá khởi điểm không có quy định, chủ yếu là do các bên thỏa thuận, thậm chí bắt đầu bằng 0. Về tiền đặt trước và sau này chuyển thành tiền đặt cọc, kinh nghiệm và thực tiễn của các nước có khác nhau nhưng cũng nằm từ 5% cho đến 20%, một số nước 25%. Chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành thì các nước không có quy định. Nguyên tắc của đấu giá dân sự là được càng nhiều tiền càng tốt. Ví dụ, Nhật Bản bán một cặp dưa lưới sau đấu giá, tính ra tiền Việt Nam lên đến cả tỷ đồng. Hay có những bức tranh giá khởi điểm là 100 USD mà bán được 69,3 triệu USD.

Luật hóa sự “hứa”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, nêu rõ yêu cầu đối với Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.

Nhưng có một điểm hết sức đáng ngại về đấu giá tại Việt Nam so với các nước nổi lên qua những thông tin của Bộ trưởng Lê Thành Long. Đó là tài sản đấu giá tại các nước chủ yếu là tài sản tư nhân. Còn tại Việt Nam cho đến bây giờ và cả giai đoạn 2018 - 2021, trong số 110.000 cuộc đấu giá thành công thì chỉ có 50 cuộc là tài sản tư nhân.

Cũng bởi tài sản công nên mới rơi vào “ma trận”. Trong khi, chế tài để áp dụng trong trường hợp có vi phạm về đấu giá thì dường như còn khá lơ mơ. Theo phân tích của Bộ trưởng Tư pháp, “chúng ta có pháp luật về dân sự, về hành chính và hình sự để xử lý vi phạm. Dân sự thì không mua là mất cọc; hành chính thì có Nghị định 82. Còn hình sự, cũng có thể còn hơi vụng về trong vận dụng. Những vụ việc vừa rồi xảy ra tôi không dám kết luận là đúng hay không đúng, có cơ sở hay không có cơ sở. Đấu giá đất Thủ Thiêm vừa rồi, câu chuyện đặt ra là, nếu như phân tích một cách bình thường, thì đây là theo cơ chế thị trường”.

Dù vậy, cuối cùng thì ông chủ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lý do ông Dũng bị bắt chưa đề cập gì đến việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, càng là minh chứng điển hình cho lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.

Trung ương sẽ ra nghị quyết mới về đất đai

Ngày 12/4, chủ trì cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Chỉ đạo trung ương Tổng kết Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý mục tiêu của việc tổng kết Nghị quyết 19 và sửa đổi Luật Đất đai là nhằm quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp liên quan tới đất đai (chiếm 70% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo). Việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng luôn là rất quan trọng, riêng các nghị quyết về đất đai thì càng phải đề cao sự quan trọng và cẩn trọng hơn nữa.

Dự kiến, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII diễn ra vào tháng 5 tới, Trung ương sẽ ban hành nghị quyết mới về đất đai. Về phía Quốc hội, Quốc hội cũng đang ráo riết đốc thúc sửa đổi Luật Đất đai. Ngay sau Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, tháng 8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường để chốt lại những vấn đề cơ bản trong sửa đổi luật này. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Nhấn mạnh Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, chuyên sâu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải thể chế hóa cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ý kiến sắp tới của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 19 và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân các ngành, các cấp một cách thận trọng kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.