Đề xuất tái cơ cấu ngành ngân hàng của EU “chạm” một nửa số ngân hàng lớn

PwC ước tính châu Âu sẽ phải đối mặt với chi phí huy động tăng thêm 16 tỷ euro mỗi năm cộng thêm 5,3 tỷ euro chi phí một lần thực hiện các thay đổi đề xuất.

Theo Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), khoảng 9/18 ngân hàng sẽ ngừng các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa, chứng khoán vì cuộc tái cấu trúc ngành có thể sẽ kéo theo lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Đề xuất tái cơ cấu này được đưa ra nhằm hạn chế các hoạt động kinh doanh rủi ro của ngân hàng. Trong khi đó, các nhà băng đang gây áp lực với ông Lord Hill, Ủy viên Dịch vụ Tài chính EU nhằm xóa bỏ đề nghị này.

Những người ủng hộ chính sách “làm sạch” hệ thống ngân hàng biện luận rằng, cần phải có biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng và đem lại lợi ích cho sự phát triển, cạnh tranh của khu vực.

Ủy ban châu Âu đã ban hành kế hoạch chi tiết để giảm thiểu hoạt động phức tạp của các ngân hàng thương mại vào đầu năm nay, nhưng chương trình này vẫn chưa cho thấy nhiều cải tiến, đồng thời vấp vải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Pháp, Đức và Anh.

Phía PwC thì cho rằng, việc tách riêng các nghiệp vụ sẽ tạo ra một nhóm các ngân hàng nghiệp vụ thị trường vốn nhỏ lẻ và không hiệu quả với khả năng chi phí vốn cao. Điều này sẽ càng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

PwC ước tính châu Âu sẽ phải đối mặt với chi phí huy động tăng thêm 16 tỷ euro mỗi năm cộng thêm 5,3 tỷ euro chi phí một lần thực hiện các thay đổi đề xuất.

Ngược lại, các nhà lập pháp vẫn cho rằng đề xuất này là cần thiết để thay đổi tình hình kinh tế tại châu Âu.

Trong khi PwC cho rằng, trợ cấp ngầm cho các ngân hàng đã giảm đi đáng kể và không còn mấy ý nghĩa nữa, số liệu của Ủy ban châu Âu cho thấy nguồn trợ cấp, mặc dù không được ghi lại, lên tới 82 tỷ euro tính đến năm 2012.

Trong số 18 ngân hàng được PwC nhắc đến có BNP Paribas, Société Générale, Deutsche Bank, Barclays, Royal Bank of Scotland và một số chi nhánh ngân hàng Mỹ./.

Ngọc Nguyễn (theo FT)