Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 ước tăng 10,7%

Trong phiên họp 16 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2022 ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2022 ước đạt 3.201,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2021 và bằng khoảng 34% GDP. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) cho rằng, trước tình hình bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp, chịu áp lực rất lớn từ lạm phát, mức tăng này cho thấy các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến 30/9/2022 mới đạt 46,7%, thấp hơn so với cùng kỳ; trong đó, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đạt kết quả rất thấp (ước giải ngân vốn ngân sách trung ương đến 30/9/2022 đạt 2,68% kế hoạch).

Nguồn: báo cáo của Chính phủ. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: báo cáo của Chính phủ. Đồ họa: Văn Chung

Với năm 2023, số vốn đầu tư công năm 2023 tổng hợp từ nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 792.487,223 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vốn ngân sách trung ương là 414.925,934 tỷ đồng (bao gồm nhu cầu vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 271.598,239 tỷ đồng; nhu cầu vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 127.339,445 tỷ đồng), nhu cầu vốn ngân sách địa phương là 377.561,289 tỷ đồng. Số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến cân đối được trong năm 2023 là 698.867 tỷ đồng.

Như vậy, theo UBTCNS, tổng vốn đầu tư nguồn NSNN dự kiến tăng 28,9% so với năm 2022, đáp ứng được 88,3% nhu cầu vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Mức bố trí như dự kiến của Chính phủ là khá tích cực, tuy nhiên đây là mức tăng khá cao so với năm 2022, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để có thể đảm bảo nguồn thu và khả năng giải ngân vốn để tránh lãng phí nguồn lực.

Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm triển khai

Đánh giá về tiến độ giải ngân, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Song, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa có chuyển biến, so với năm 2021 với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thì năm 2022 tỷ lệ giải ngân còn đạt thấp hơn. Điều này cho thấy những giải pháp đề ra chưa mang lại hiệu quả cao.

Đây cũng là những nhận định đã được nêu tại hội nghị mới đây của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chính phủ đã nhận diện các khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, có những vướng mắc đã được phát hiện từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm; chưa có kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, từng bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực trong việc giải quyết, xử lý vướng mắc cho từng dự án cũng như chưa có giải pháp căn cơ để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, có đến 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như khó khăn về thể chế, chính sách; tổ chức triển khai thực hiện; giá cả đầu vào... Trong các nhóm nguyên nhân trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện.

Còn 31.737 tỷ đồng vốn kế hoạch chưa phân bổ

Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch, theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 30/9/2022, các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ hết số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, số đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 510.368,625 tỷ đồng, đạt 94,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đến thời điểm tháng 10/2022, số vốn chưa giao kế hoạch còn khá lớn, đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân và kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn kịp thời, tránh gây lãng phí nguồn lực.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022 cũng hoàn thành hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBTCNS cho rằng, cùng với các giải pháp mạnh mẽ nhằm đôn đốc tiến độ giải ngân như thời gian qua Chính phủ thực hiện, cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính gắn với trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Đồng tình với các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư được nêu chi tiết trong báo cáo của Chính phủ, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị, UBTCNS cũng lưu ý Chính phủ cần quyết liệt đôn đốc nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đối với những dự án chưa tuân thủ tiến độ, đề nghị điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng thiếu vốn; đồng thời xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, về tồn tại, hạn chế, báo cáo của Chính phủ nêu chi tiết về vấn đề “thể chế, chính sách liên quan trực tiếp đến việc triển khai dự án đầu tư công còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án”, trong đó, “vướng mắc chủ yếu liên quan đến pháp luật về đầu tư công là việc tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập”. Từ ý kiến này, UBTCNS đề nghị Chính phủ rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật liên quan để tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư; đồng thời ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, nhất là đối với 3 CTMTQG.

Xây dựng kế hoạch đầu tư công bám sát khả năng giải ngân thực tế

Cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công năm 2023, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) đề nghị phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công và khả năng giải ngân thực tế; bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, trong đó tập trung đầu tư cho các CTMTQG, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Trong kế hoạch, về vốn ngân sách trung ương, Chính phủ dự kiến chi cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 367.415 tỷ đồng. Bao gồm vốn trong nước 338.415 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 157.415 tỷ đồng) và vốn nước ngoài 29.000 tỷ đồng.

UBTCNS đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công về danh mục các dự án sử dụng vốn Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Đồng thời, đề nghị báo cáo rõ về khả năng giao vốn theo quy định sau khi Quốc hội thông qua dự toán NSNN và phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2023 (tránh tình trạng việc giao vốn không bảo đảm thời gian, ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân vốn).

Đối với vốn nước ngoài, UBTCNS đề nghị đánh giá kỹ về tiến độ giải ngân của năm 2022, khả năng thực hiện và giải ngân năm 2023 của các dự án sử dụng vốn nước ngoài để xây dựng kế hoạch sát với khả năng giải ngân, tránh tình trạng phải kéo dài vốn, chuyển nguồn lớn như những năm gần đây.

Về vốn ngân sách địa phương, Chính phủ dự kiến là 315.464 tỷ đồng, tăng 3,7% so với kế hoạch năm 2022. Cơ bản nhất trí với đề xuất này, UBTCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sát hơn, tránh hệ lụy dẫn đến dự án thiếu vốn dở dang kéo dài, giảm hiệu quả sử dụng vốn NSNN.